Từ ngàn xưa đến nay, hình ảnh Trâu Vàng luôn gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh đậm đà Văn hoá truyền thống của dân tộc ta.
Vậy câu chuyện huyền thoại về “Trâu Vàng dưới đáy Hồ Tây” ly kỳ ra sao? Mời các bạn cùng Đời Sống News khám phá qua bài viết dưới đây nhé!

1. Hình ảnh Trâu Vàng trong Văn hoá truyền thống Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà dân gian ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Hay: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công?”.
Bởi tự bao đời nay, trâu là loài vật gần gũi, gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam như những người bạn thân tình. Nhờ có trâu là công việc cày bừa, chuyên chở lúa, nông sản… trở nên dễ dàng, ít nặng nhọc hơn.

Ngày xưa, khi chưa có các phương tiện cơ giới hoá hiện đại, thì trâu được xem là “cỗ máy” quan trọng, là người bạn quý, là tài sản đắt giá nhất của người nông dân.
Đúc kết từ thực tiễn ấy mà hình ảnh Trâu Vàng biểu tượng cho sức mạnh, trí lực dồi dào, hiền lành chăm chỉ, mang đến sự bình yên và may mắn.
2. Huyền thoại Trâu Vàng dưới đáy Hồ Tây
* Câu chuyện “Trâu Vàng dưới đáy Hồ Tây” ly kỳ ra sao?
Tương truyền có nhà sư Không Lộ đức cao vọng trọng, pháp thuật cao cường. Nhà sư chữa được bệnh cho thái tử nhà Tống nên được yết kiến vua nhà Tống. Vua Tống ban thưởng cho ông được vào kho để chọn lựa tùy thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi vải.
Vừa bước vào cửa, sư Không Lộ thấy một con trâu bằng vàng to lớn đúc bằng vàng ròng đứng nghênh ngang như canh giữ kho châu báu.
Thấy gian chính giữa có đặt đồng đen, sư Không Lộ bèn giở phép thần thông, lấy quá phân nửa số đồng đen trong kho của vua Tống rồi ra bờ bể thả nón tu làm thuyền chở về nước.
Số đồng đen đó vừa đủ để đúc chuông. Chuông được các thợ rèn trứ danh của Việt Nam đúc theo hình hoa sen hé nở, tiếng chuông thanh, vang xa.

Chuông đúc xong, sư Không Lộ cầm chày đánh lên tiếng chuông đầu tiên. Tiếng chuông vang xa, rung động ngàn dặm. Con trâu vàng ở kho tàng của vua Tống nghe tiếng chuông đồng, ngỡ là tiếng mẹ gọi (vì Đồng đen là Mẹ của Vàng), nên cất vó cong sừng chạy về phía Nam tìm mẹ.
Trâu Vàng tìm đến Hồ Tây nhưng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn.
Nhà sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống hồ, chuông đồng rung vang một lần cuối cùng trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống hồ, biến mất theo chuông. Từ đó, nhân dân ta quen gọi hồ đó là hồ Kim Ngưu, cũng chính là hồ Tây (Hà Nội) ngày nay.
* Đền Trâu Vàng trấn bên Hồ Tây – mang lại sự bình an, may mắn
Sau khi sư Không Lộ thả chuông xuống hồ thì có một huyền thoại rằng, từ nay về sau, trong dân chúng nếu ai sinh được 10 người con trai thì cha con lên hồ sẽ gọi được trâu vàng về.
Một gia đình nọ sinh được 9 người con trai đã mừng thầm, nhận thêm một người con trai nuôi nữa để kéo trâu vàng về nhà. Trâu Vàng lên khỏi mặt nước vào bờ thì thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó. Nơi đó được nhân dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu.

Một truyền thuyết khác kể rằng, khi xưa có con cáo chín đuôi đi hại dân, Long Quân đã cho Trâu Vàng xuống hồ diệt trừ tinh và cho lập đền thờ trâu bên hồ để trấn cho vùng đất này.
Đền Kim Ngưu bên bờ hồ Tây là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ Trâu Vàng của nhân dân ta. Qua đó, có thể thấy được giá trị văn hóa và tín ngưỡng của Trâu Vàng đối với văn hóa dân tộc.
Xuân Tân Sửu 2021, nhiều người lựa chọn trưng bày tượng Trâu Vàng trong nhà để mang đến may mắn, tài lộc và bảo vệ gia đình luôn bình an, hạnh phúc.
Văn Nhân (t/h)