Việc hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô.
Nhiều ý nghĩa nhân văn
Ngày 17/3, tại Lầu Tàng Thư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ công bố Đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế – Địa chí Văn hóa Huế.
Tủ sách Huế có Logo nhận diện riêng, mang tính thương hiệu riêng của Huế, không chỉ quảng bá văn hóa Huế mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện con người.
Đồng thời, tôn vinh các tác giả, người đọc và những người tham gia sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế được ra mắt là Địa chí Văn hóa Huế. Đây là một công trình đồ sộ, quy mô, tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa.
Đây cũng là tiền đề để hội đồng tuyển chọn có căn cứ chọn những quyển sách có chất lượng về Huế trên nhiều lĩnh vực để tái bản lại và xuất bản mới, hướng đến một năm có 3 đầu sách được đưa vào Tủ sách Huế.
Quảng bá bằng công nghệ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực…, phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cũng theo ông Thọ, song song với việc tái bản, xuất bản các tác phẩm, để phù hợp với thời đại công nghệ, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện ứng dụng App Tủ sách Huế nhằm quản lý, giới thiệu nội dung các đầu sách để lan tỏa và phục vụ nhu cầu bạn đọc ở trong và ngoài nước.
“Tôi tin tưởng rằng, tất cả chúng ta – những người yêu Huế, có trách nhiệm với Huế sẽ chung sức, chung lòng – toàn tâm, toàn ý, toàn trí, toàn lực thực hiện thành công đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế, vì một Huế phát triển và luôn luôn mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao logo Tủ sách Huế cho đại diện quản lý là Sở Thông tin và Truyền thông. Đồng thời tặng ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế cho các chủ thể quản lý và sử dụng ấn phẩm.
Nơi lưu giữ “kho báu” các loại sách quý
Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với rất đầu loại sách chuyên đề vô cùng giá trị. Những tủ sách này được những người yêu sách gìn giữ đến ngày hôm nay và xem đó như bảo vật của gia đình.

Không thể không nhắc đến tủ sách của gia đình thầy giáo Nguyễn Hữu Châu Phan (đường Nguyễn Huệ, TP. Huế) với hơn 10.000 cuốn được gây dựng từ thời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính. Tiếp đó là nguồn sách do thầy Phan gom góp, sưu tầm. Tủ sách ấy đầy đủ các danh mục từ lâm học, khoa học nhân văn, mỹ thuật, nhưng đặc biệt vẫn là nhiều bộ sách quý về Huế với nhiều thứ tiếng.
Còn rất nhiều tư gia khác có tủ sách riêng cho gia đình và xem đó là “của cải” cất giữ cho các thế hệ con cháu mai sau. Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa, tu viện trên địa bàn Huế đang sở hữu nhiều tủ sách với các kho sách quý chuyên về tôn giáo.
Theo Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), ông cảm thấy rất vui khi Huế xây dựng đề án “Tủ sách Huế”. Điều này cho thấy sự quan tâm, và xa hơn là việc bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán.
“Nhiều người sở hữu các tủ sách, cuốn sách quý, ai cũng muốn một ngày sẽ công bố, đưa ra với công chúng. Nhưng quan trọng, là cách ứng xử, đón nhận của chúng ta với cuốn sách, với những người sưu tầm đó ra sao. Đằng sau mỗi cuốn sách là một hành trình, là sự trân trọng mà người sưu tầm dành hết tâm huyết vào đó. Nếu tỉnh làm được việc này bằng tất cả sự trân trọng và bài bản, tôi tin người ta sẽ hưởng ứng”, Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, khẳng định.