Tuân thủ 5K – “Chiếc phao cứu sinh” trong tình hình mới. Đó là khuyến cáo của Bộ Y tế gửi đến người dân với hy vọng chung tay đẩy lùi Covid-19.
1. Thông điệp 5K gồm những nội dung gì?
Thông điệp 5K được viết tắt bởi 5 từ: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế. Cụ thể như sau:
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP: Không tập trung đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vnđể được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

2. Tuân thủ 5K – “Chiếc phao cứu sinh” trong tình hình mới
Chuyên gia y tế khuyến cáo, trong điều kiện tình hình mới như hiện nay, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh; đặc biệt tuân thủ 5K của Bộ Y tế, nhất là ở những chỗ đông người, nơi công cộng.
Những ngày gần đây, nước ta ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang. Đặc biệt là sự xuất hiện của chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Số ca mắc tại bệnh viện này đã lên đến hàng chục ca; toàn bộ bệnh viện đã tiến hành cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương.
Đáng lo ngại là, từ bệnh viện này, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã về địa phương, mang theo virus gây bệnh nguy hiểm mà không hay biết, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng là rất cao. Các địa phương có bệnh nhân về từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều đã và đang nỗ lực tiến hành các biện pháp truy vết nhanh các trường hợp này và các F1, F2, thậm chí có địa phương (như Thái Bình) thực hiện giãn cách xã hội để khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Việc người dân mang virus mà không hay biết có mặt trong cộng đồng là rất nguy hiểm bởi vô tình sẽ dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng và rất khó truy vết nhanh. Có nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, khó phát hiện, dẫn đến công tác phòng chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn.
Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong điều kiện tình hình mới như hiện nay người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh; đặc biệt tuân thủ 5K của Bộ Y tế, nhất là ở những chỗ đông người, nơi công cộng. Phía chính quyền các địa phương cũng cần thông tin tuyên truyền để người dân biết, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cũng nêu rõ: Những người đã qua cách ly tập trung cũng cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương trong các ngày tiếp theo. Trong thời gian cách ly tại địa phương, những người này phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Tuy nhiên, một số người chưa tuân thủ đúng các quy định này; sau khi hết cách ly tập trung đã tiếp xúc với nhiều người, ăn liên hoan, tới quán karaoke, bar…
Đây là môi trường rất dễ lây lan dịch bệnh vì không gian kín, tập trung đông người, khoảng cách gần…Nguy cơ lây bệnh sau thời gian cách ly vẫn có dù tỷ lệ thấp. Do vậy, ý thực hiện và việc giám sát sau cách ly là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc các ca bệnh. Cả 3 mẫu ở Vĩnh Phúc (nhân viên quán bar – karaoke Sunny) đều nhiễm virus thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của virus tại Ấn Độ. Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7 – là virus biến thể tại Anh.
Theo các chuyên gia dịch tễ, biến chủng virus từ Ấn Độ là biến chủng do đột biến ngay trên chủng B.1.1.7 từ Anh. Đây là biến chủng nguy hiểm hơn chủng ban đầu vì khả năng lây nhiễm cao hơn, tỷ lệ gây tử vong cao hơn, kháng vắc xin mạnh hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến nay, ít nhất 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có biến chủng B.1.617.2 nguy hiểm, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh cả nước tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trước dịch bệnh.
Cụ thể là người dân không nên ra nhà khi không cần thiết; thực hiện 5K; khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời….
Theo Báo Tin tức (Tít do Đời Sống News đặt).
(https://baotintuc.vn/suc-khoe/tuan-thu-5k-bien-phap-tu-phong-ho-trong-tinh-hinh-moi-20210506151603916.htm).
- Bạn đã thuộc bài “Đồng dao 5K” phòng chống Covid-19 chưa?
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rời hội trường ra chiến trường chống Covid-19
- Covid-19: Bài học từ việc lây nhiễm tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
- Tập đoàn Mai Linh hỗ trợ Kiều bào Campuchia trong đại dịch Covid-19
- Bình Dương: Đổi biển số vàng cho xe ô tô kinh doanh vận tải cả thứ 7, Chủ nhật