Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò là bộ não tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của tỉnh thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định phục vụ đắc lực hoạt động quản lý điều hành của lãnh đạo tỉnh, sở ngành và các địa phương.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức khai trương Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có thể theo dõi sát sao nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, kinh tế xã hội của tỉnh.
Cụ thể như: Chất lượng dịch vụ y tế, thông tin môi trường, tình hình giải quyết thủ tục hành chính, giám sát giao thông, giám sát thiên tai, bão lũ và đặc biệt là phản ánh của người dân về những bất cập xảy ra trên địa bàn…
“Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra những quyết định xử lý nhanh chóng, chính xác và đáp ứng nhanh, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn có chức năng là phòng họp thông minh, được xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, với các tính năng nhận diện được khuôn mặt, chuyển tài liệu từ dạng văn bản nói sang văn bản viết và lưu trữ được toàn bộ nội dung cuộc họp.
“Từ đó giúp chủ tọa biểu quyết các vấn đề cần biểu quyết, lấy ý kiến, thống kê được các ý kiến của các thành viên dự họp, phần mềm tích hợp chức năng họp trực tuyến, giúp người sử dụng vừa họp không giấy tờ vừa có thể họp trực tuyến ở bất cứ địa điểm nào”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, khẳng định.
Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là mục tiêu xuyên suốt và đồng bộ của tỉnh trong suốt những năm vừa qua.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức, như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn lực để phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội, công nghệ cao còn thiếu… Để giải quyết các vấn đề này, tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) xây dựng Trung tâm điều hành UBND tỉnh.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, khi đi vào hoạt động Trung tâm đóng vai trò là bộ não tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của tỉnh thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định phục vụ đắc lực hoạt động quản lý điều hành của lãnh đạo tỉnh, sở ngành và các địa phương.
“Từ đó hướng đến hoàn thành mục tiêu “4 không, 1 có” trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh, bao gồm: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
- Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2020
- Thừa Thiên Huế thuộc TOP 10 tỉnh dẫn đầu về PAPI năm 2020
- FPT giải “cơn khát” trường phổ thông chất lượng cao cho Huế
- Từ “Nhặt một cọng rác” đến cuộc “Di dân lịch sử” nghĩ về “Giấc mơ Huế”
- Con em các hộ di dân “nhường chổ” cho Di tích Kinh thành Huế có trường học mới