Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cùng cán bộ và nhân dân huyện Phong Điền vừa ra quân hưởng ứng chương trình “Mai vàng trước ngõ”, trồng hơn 2.000 cây Mai vàng (Hoàng mai), tại Làng cổ Phước Tích. Chương trình góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành “Xứ sở Mai vàng” của Việt Nam, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.
Trồng Mai vàng ở Làng cổ
Ngay từ sáng sớm Chủ nhật (ngày 14/3/2021), tại Làng cổ Phước Tích, hưởng ứng chương trình “Mai vàng trước ngõ” Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cùng với lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, người dân đã trồng 2000 cây Mai vàng một năm tuổi, cho ngôi làng hơn 550 tuổi này.

Chương trình nhằm xây dựng cảnh quan sinh thái, hình thành rừng mai trong thời gian tới, từ đó tạo điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến Làng cổ Phước Tích tham quan du lịch vào những ngày Tết đến Xuân về.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoan nghênh sự hưởng ứng của chính quyền huyện Phong Điền và người dân Làng cổ Phước Tích trong việc thực hiện Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mai vàng trước ngõ”.
Từ đó hướng đến mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị vốn có của Làng cổ Phương Tích, một làng cổ cảnh quan, sinh thái, thân thiện với môi trường. Đồng thời, mỗi người dân Phước Tích không ngừng bảo vệ và phát huy di sản, làm cho cảnh quan làng cổ ngày càng xanh – sạch – sáng; điểm nhấn độc đáo cho du khách gần xa.

Theo ông Thọ, Mai vàng không còn xa lạ với mỗi người dân. Tuy nhiên, một thời gian dài, do ảnh hưởng của thị hiếu, sự phát triển đô thị nên loài hoa này dần mai một. Vì vậy, việc khôi phục được cây Mai vàng trong mỗi cơ quan, gia đình, làng xóm là một việc làm vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, phát triển Mai Huế còn giúp tạo thêm thu nhập cho nông dân và người trồng hoa.
“Mỗi độ Tết đến Xuân về, các gia đình có trồng mai lại chăm chút lặt từng lá để hoa mai nở rộ đúng vào dịp Tết; cùng với việc quây quần bên nồi bánh trưng, bánh tét đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đặc biệt, truyền thống đó đã có sẵn, hun đúc trong mỗi gia đình, mỗi con người. Vì vậy, tại sao chúng ta không khơi dậy, phát huy nét đẹp văn hóa vốn có đấy”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
Làng cổ Phước Tích có từ bao giờ?
Từ trung tâm TP. Huế đi về hướng Bắc chừng 40km, du khách sẽ “chạm ngõ” Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), với vẻ đẹp nguyên sơ của một làng quê Việt Nam.

Làng được bao bọc bởi con sông Ô lâu trong xanh, hiền hòa. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thành Tông, có diện tích khoảng 49 ha.
Làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai (cùng Làng cổ Đường Lâm) của Việt Nam được công nhận là Làng Di sản cấp quốc gia vào năm 2009.

Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ dày đặc loại ba gian hai trái và một gian hai trái, hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ, bản thờ tủ… được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, hệ thống đường xá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động… Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế.
Du lịch Phước Tích có gì?
Ngày 09/9/2019, Làng cổ Phước Tích được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, Du lịch Phước Tích có hàng chục loại hình dịch vụ du lịch với khoảng gần trăm người dân tham gia hoạt động.

Như dịch vụ tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, hướng dẫn viên, quảng diễn nghề gốm, làm bánh, giao lưu văn nghệ,… Hệ thống nhà rường cổ có 11 hộ tham gia tiếp đón khách tham quan; 4 hộ kinh doanh lưu trú; 4 điểm phục vụ dịch vụ ẩm thực.

Các dịch vụ hầu hết được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, mến khách góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách. Chính vì lẽ đó, hình ảnh Du lịch Phước Tích đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Phước Tích trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá.

Điểm du lịch Làng cổ Phước Tích có các tài nguyên du lịch, như: Hệ thống nhà thờ họ tộc; hệ thống các nhà rường truyền thống, hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh…

Miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng. Đi vào trong làng là những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, cây hoàng lan hơn 100 tuổi trước nhà mệ Tràng thơm ngát…
Mặc khác, còn có các nghề truyền thống như nghề gốm nổi tiếng từ hơn 500 năm nay với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm nổi danh được ví qua câu thơ “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế, Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân” và nghề làm bánh…
Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, mua sắm đầy đủ, các nhà hàng đặc sản địa phương, có tổ ẩm thực chuyên phục vụ ẩm thực cho khách du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với 01 quầy hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Thăm làng, du khách có dịp được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.