Là một chính trị gia, nhà khoa học, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng luôn trăn trở vào sự phát triển quê hương, trong đó có việc nâng tầm Du lịch Đà Lạt.

Lâm Đồng chú trọng phát triển Du lịch chất lượng cao
Theo Tiến sĩ Phạm S, với chuỗi thời gian 129 năm hình thành và phát triển, từ ý tưởng ban đầu Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng ở Đông Dương. Song trước yêu cầu phát triển, Đà Lạt không ngừng quảng bá thương hiệu, trở thành Trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng tập chú trọng phát triển Du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, các chương trình trọng tâm về “Phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao”; triển khai xây dựng Đề án nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư mở rộng các nút giao và nâng cấp hệ thống đường giao thông nội thị kết hợp với chỉnh trang đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Đà Lạt phát triển bền vững.
Khai thác giá trị tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc, lịch sử và nhân văn để quảng bá nét riêng có của Đà Lạt
Nhờ có cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc và con người Đà Lạt trên mảnh đất Cao nguyên Lâm Viên với khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành.
Nơi đây có sự hòa quyện diệu kỳ giữa thiên nhiên và con người, tạo nên những nét riêng, đặc thù về du lịch Đà Lạt mà các thành phố khác ở Việt Nam và thế giới không có.

Đà Lạt – Thiên đường nghỉ dưỡng với nhiều nét riêng, hiếm có
Cũng theo Tiến sĩ Phạm S, qua nghiên cứu thực tiễn, Đà Lạt có 10 sự khác biệt về du lịch, cụ thể: Một là, Đà Lạt có nhiệt độ ôn hòa nhất thế giới, bình quân khoảng 18 – 19 độ C, biên độ nhiệt trong năm khoảng từ 3 – 4 độc C. Nhờ đó, tạo nên vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, không nóng lắm cũng không lạnh lắm. Đây là điều kiện tiên quyết, tạo môi trường thuận lợi phát triển du lịch quanh năm. Thật không ngoa khi nói, Đà Lạt chính là Thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách trong và ngoài nước.
Hai là, Đà Lạt luôn là “điểm đến trong mơ” với du khách trong và ngoài nước, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng. Thực tế, ở nước ta, từ Bắc đến Nam, đặc biệt các tỉnh miền Trung từ tháng 3 – 7, thời tiết nắng nóng kéo dài thường có nhiệt độ từ 37- 40 độ C thì không điều gì mong ước hơn là được đến Đà Lạt nghỉ mát dù chỉ có thời gian ngắn ngủi. Dự báo, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan thì điều mong ước đó ngày càng có ý nghĩa hơn và là mong ước của hàng triệu trái tim khắp mọi miền Tổ quốc.
Ba là, Đà Lạt là thành phố hiếm hoi trên thế giới về thương hiệu du lịch không chỉ thể hiện cơ sở pháp lý được cấp có thẩm quyền công nhận (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đà Lạt là Thành phố Festival Hoa) mà còn được du khách, các nhà khoa học, thi sĩ, nhạc sỹ, kiến trúc sư, nhà môi trường đặt nhiều tên gọi ấn tượng nhất.
Trong đó, điển hình như: Thành phố sương mù, Thành phố ngàn hoa, Thành phố ngàn thông, Thành phố tình yêu, Thành phố mộng mơ, Thiên đường nghỉ dưỡng, Thành phố di sản, Thiên đường du lịch, Thiên đường tình yêu, Thiên đường nông nghiệp, Thành phố vườn, Thành phố môi trường, Tiểu Paris ở phương Đông và Thành phố cảnh quan… Tất cả đều ẩn chứa nhiều tình cảm thân thương du khách dành Đà Lạt. Điều đó cũng nói lên tính đặc thù, tính riêng và tính hiếm có của “Xứ sở ngàn hoa” so với các thành phố khác trên thế giới.
Bốn là, Đà Lạt là thành phố sở hữu nhiều thác nước hùng vĩ, hữu tình, được đầu tư tôn tạo khai thác điểm du lịch nhiều nhất ở Việt Nam.
Năm là, Đà Lạt được mệnh danh là Thành phố ôm cả 3 Thiên đường, gồm: Thiên đường du lịch, Thiên đường nông nghiệp, Thiên đường tình yêu.
Bởi lẽ, Đà Lạt có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại, cây cỏ muôn loài ngợi ca Tình yêu nhiều nhất, như: Ngã ba tình, Đồi mộng mơ, Thung lũng Tình yêu, Rừng ái ân, Hồ Than thở, Hồ Đan kia – Suối Vàng, Đồi thông hai mộ, Chuyện tình LangBiang, Hoa thủy chung Mimosa, Cây ước nguyện, Thung lũng trăm năm…
Đây còn là nơi gặp gỡ các cặp tình nhân, làm rung động trái tim bởi tình yêu đôi lứa của hàng ngàn đôi bạn trẻ kết duyên không chỉ cư dân ở thành phố này mà còn là nơi tình yêu đôi lứa của nhiều đôi bạn trẻ kết duyên với du khách thập phương khi đến thành phố thơ mộng, quyến rũ.

Bên cạnh đó, chính tại thành phố này để lại những câu chuyện tình của nhiều tài năng nổi tiếng, như: Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Vua Bảo Đại và nhiều câu chuyện tình thú vị khó quên như chuyện tình Đông Tây với vườn cà phê sạch dưới chân núi LangBiang hay câu chuyện tình lãng mạn dưới hòn Đá Đen… Ngoài ra, Đà Lạt là nơi hẹn hò của các cặp tình nhân ở Thung lũng tình yêu cả trăm năm qua và hàng triệu du khách chớm nở tình yêu, tạo nên những cuộc tình sâu lắng từ “Xứ sở sương mù”.
Sáu là, Đà Lạt là thành phố có 03 sân golf, đặc biệt có sân golf Đà Lạt Palace nằm ngay trung tâm thành phố, là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam và cổ nhất Đông Dương (1922). Do đó, du khách nghỉ ngơi tại thành phố chỉ mất 5 phút ô tô ra đến sân chơi golf thư giãn nhẹ nhàng, chứ không phải mất từ 45 – 60 phút như ở các thành phố khác.
Bảy là, Đà Lạt có Vườn hoa đa chủng loại, quy mô lớn và lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, nơi đây chính là nơi hội tụ của những loài hoa đẹp nhất của thành phố Đà Lạt ngàn hoa, được xây dựng từ những năm 1966, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua dành cho du khách.
Tám là, Đà Lạt là địa phương định hướng Du lịch canh nông đầu tiên và nhiều điểm du lịch canh nông nhất cả nước (33 điểm) và cũng là thành phố có nhiều homestay nhất cả nước đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách gần xa.
Chín là, Đà Lạt là thành phố trẻ so với nhiều thành phố khác ở Việt Nam và thế giới song đã được UNESCO công nhận 03 di sản thế giới đó là: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Mộc bản triều Nguyễn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang.
Mười là, Đà Lạt được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn nhiều giải thưởng tốt về du lịch và môi trường, điều này khẳng định Đà Lạt là thành phố hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong thời gia qua, việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương là du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng… Ngành du lịch Đà Lạt đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch canh nông với các sản phẩm Trà, rau, hoa và các loại hình tổng hợp, được Trung ương đánh giá là đứng đầu cả nước về loại hình du lịch canh nông.
Tiếp tục phát triển du lịch thể thao mạo hiểm: Leo núi, vượt thác, xe đạp địa hình; tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, giải thể thao… để thu hút du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng, đặc biệt là khách quốc tế. Ngoài ra, thông qua một số đường bay quốc tế đến sân bay Liên Khương từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đã tạo thuận lợi trong việc phát triển các tuyến du lịch quốc tế góp phần thu hút du khách quốc tế đến Đà Lạt ngày càng cao.

Giải pháp nâng tầm Du lịch Đà Lạt, hoà vào “biển lớn”
Từ những nghiên cứu thực tiễn trên, Tiến sĩ Phạm S đưa ra một số giải pháp nâng tầm Du lịch Đà Lạt, hoà vào “biển lớn”, cụ thể: Tiếp tục phát huy những thành quả du lịch Đà Lạt trong thời gian qua; phát huy giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương: “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, bằng nhiều hình thức; chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao; cần chuyển từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều.
Bên cạnh đó, cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng và các nước; có sự kết nối trong chia sẻ sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Đà Lạt; đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch khoa học, du lịch giáo dục, du lịch giải trí và du lịch thể thao.
Song song với việc triển khai các dự án quanh hồ Xuân Hương, dự án mở rộng vườn hoa thành phố. Với lợi thế cảnh quan kiến trúc châu Âu, quanh hồ Xuân Hương cần trồng một số cây thuộc chi Phong châu Âu (Aceraceae) nhằm tạo phong phú cảnh quan đô thị. Thành phố Đà Lạt cần dành quỹ đất khoảng 100 – 150 ha trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm hoặc khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng để xây dựng vườn thực vật, đây là lĩnh vực rất hấp dẫn, một trong những điểm đến kéo dài thời gian lưu khách khi đến tham quan thành phố Đà Lạt.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại các khu du lịch trọng điểm quốc gia như khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng, khu du lịch hồ Đại Ninh, khu du lịch hồ Prenn tương xứng với tài nguyên thiên nhiên vốn có; đồng thời có giải pháp sớm triển khai dự án công viên Bà Huyện Thanh Quan ở phía Đông Nam hồ Xuân Hương, xây dựng công trình điểm nhấn, độc đáo mang tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
Có giải pháp đồng bộ đẩy nhanh dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; kiến nghị các cấp có thẩm quyền nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025 nhằm thu hút lượng khách quốc tế trong thời gian tới.

Đặc biệt, có giải pháp khai thác có hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, thông qua các dự án du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, nghiên cứu các điểm du lịch trải nghiệm.
Song song với cách thu hút du khách như trong thời gian qua, trong tương lai Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch theo đặt hàng, thời gian tham quan phải đặt hàng trước và là tour du lịch có giá cao nhất tỉnh Lâm Đồng và Việt Nam, vì đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và là đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, khai thác giá trị tương xứng là trung tâm đa dạng sinh học quốc gia và quốc tế.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch Đà Lạt thường xuyên với nhiều hình thức, đặc biệt là công tác quảng bá du lịch ra thị trường nước ngoài. Chú trọng công tác dự báo và truyền thông sát thực tế, có tính khoa học cao, tuyệt đối không để lặp lại bài học truyền thông như dịp Lễ 30/4 và 1/5 năm 2022.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thành phố Đà Lạt tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và các sự kiện văn hóa du lịch hấp dẫn hơn, đa dạng hơn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt đến thị trường du lịch quốc gia và quốc tế.
Có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa và công nghiệp giải trí, đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong tương lai mà Đà Lạt có rất nhiều lợi thế song trong thời gian qua chưa được khai thác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế ban đêm nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách khi đến Đà Lạt.
Ngoài ra, thu hút các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu về du lịch như mô hình Thụy Sĩ; hình thành Học viện đào tạo CEO về du lịch quốc tế để tuyển sinh đào tạo học viên toàn cầu chuyên sâu về du lịch, bởi vì trên thế giới có loại hình du lịch nào thì Đà Lạt cũng có khả năng đáp ứng các loại hình du lịch đó, trừ du lịch biển – Học viện sẽ phối hợp trải nghiệm thực tế ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoặc Bình Thuận sẽ đáp ứng tất cả loại hình du lịch cho CEO toàn cầu.
“Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với giá trị cảnh quan môi trường của Đà Lạt; tổ chức trồng nhiều cây cảnh quan nhiều hơn nữa cho Đà Lạt; quyết tâm từ năm 2023 trở về sau tuyệt đối không để người dân lấn chiếm đất rừng, san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình gây mất cảnh quan môi trường”, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh.

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
- Tiến sĩ Phạm S và những mùa hoa dã quỳ Đà Lạt
- Du lịch canh nông “nở hoa” trên Cao nguyên Lâm Viên
- Nồng ấm yêu thương “Đà Lạt mùa màu tím và sương”
- Tiến sĩ Phạm S và cái tình nồng đượm với Cao nguyên Lâm Viên
- Đà Lạt “xanh” qua lăng kính của tác giả Ngô Văn Lai đoạt giải Nhất