Hai năm liên tiếp, Hồng Hạnh không thể về Việt Nam đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thấu hiểu và đồng cảm với nỗi niềm ấy, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đã viết nên những dòng thư chan chứa yêu thương dành tặng người bạn quê Nam Định của mình.

(Thân tặng bạn yêu quý Đỗ Hồng Hạnh đang sống và làm việc tại Trung Quốc)
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân Trung Quốc rời các thành phố lớn, nơi họ làm việc, để trở về quê hương sum vầy với người thân. Nhưng năm nay, dịch COVID-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc như Tân An, Thiên Tân, Hà Nam…. Trong đó, thành phố Thiên Tân đang phải đối mặt đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.
Trong số các thành phố ở phía bắc Trung Quốc, Thiên Tân là thành phố có số lượng lao động nhập cư rất lớn. Thiên Tân là thành phố đầu tiên của Trung Quốc ghi nhận có ca biến thể Omicron. Ca Omicron đầu tiên của thành phố là một người từ nước ngoài trở về vào tháng 12. Virus đã lây lan từ thành phố cảng Thiên Tân đến thành phố Đại Liên phía đông bắc và đến An Dương ở miền trung Trung Quốc.
Sự lây lan của biến thể Omicron khiến cho bộ phận phòng chống và kiểm soát dịch Thiên Tân đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Sự việc này làm cho công tác chống dịch trong bối cảnh sắp đến dịp cao điểm di chuyển Tết Nguyên đán vào cuối tháng này, cũng như Olympic Bắc Kinh 2022 khai mạc vào tháng 2 càng thêm nhiều khó khăn.
Ngay cả Viện sĩ Trương Bá Lễ cũng bày tỏ quan điểm: “Thiên Tân đã xuất hiện Omicron, phòng ngừa và kiểm soát Omicron là một cuộc chiến trên quy mô lớn đầu tiên”.
Trong suy nghĩ của người dân thì Thiên Tân phải đối mặt với khó khăn bằng sự cứng rắn. Vì vậy, vào thời điểm đầu tiên phát hiện Omicron, các quận, huyện đã có thông báo nghỉ học, các khu du lịch đóng cửa tạm thời, các cuộc phỏng vấn trình độ giáo viên cũng buộc phải hủy bỏ.
Cho dù khó khăn hơn rất nhiều nhưng bầu không khí ở Thiên Tân không thê lương bởi dịch bệnh, người dân vẫn sống với tinh thần vui vẻ, hài hước, lạc quan. Họ không phàn nàn khi phải làm xét nghiệm, có ông già còn vừa run rẩy vừa tự mở nhạc nghe trong khi chờ đợi đến lượt xét nghiệm.
Chị Đỗ Hồng Hạnh đã sống và làm việc ở Trung Quốc 19 năm chia sẻ: “Thiên Tân có hơn chục triệu dân, có 20 ca COVID đầu tiên mà như lâm vào đại dịch. Ca gần nhất cách nhà tôi 10km mà khu nhà tôi cũng bị phong tỏa, học sinh phải nghỉ học, dừng thi hết. Toàn dân bị yêu cầu xét nghiệm đủ 7 lần, lần nào đến lượt tôi cũng nửa đêm hoặc gần sáng, lúc nhiệt độ xuống -50c. Xem ra Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến dịch Zero COVID đến tận cùng.”

Dưới tiết trời lạnh giá, để sàng lọc toàn bộ 14 triệu dân ở thành phố này là điều không phải dễ dàng. Nhưng với trái tim cởi mở, nhiệt tình và khả năng hài hước bẩm sinh của những người dân sống ở đây, nhiệm vụ này dường như không còn quá khó khăn, thành phố luôn có một không khí tươi đẹp, cuộc sống luôn thoải mái, vui vẻ.
Sau những nỗ lực của toàn thành phố, tình hình dịch bệnh ở Thiên Tân vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện số lượng lớn người nhiễm chủng Omicron, điều này chứng tỏ các biện pháp phòng chống dịch ở Thiên Tân rất nhanh chóng, hiệu quả.
Ở một số thành phố của Trung Quốc, người dân được chính quyền kêu gọi không được rời khỏi thành phố nếu không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán. Những người lao động nhập cư, đặc biệt là những người Việt Nam đang sống và làm việc tại Thiên Tân đều phải chuẩn bị sẵn tâm lý không về nước mà đón Tết Nhâm Dần tại Thiên Tân.
Chị Đỗ Hồng Hạnh biết rõ những khó khăn và rào cản nếu lựa chọn về Việt Nam đón Tết. Cuối cùng, chị quyết định ở lại Thiên Tân, đây là năm thứ hai liên tiếp Hạnh quyết định không về nước đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết Nguyên đán.
Chị Hạnh chia sẻ: “Năm nay, tôi vẫn không thể về Nam Định – Việt Nam đón Tết. Bố mẹ tôi sẽ rất buồn nếu gia đình mình vắng con cháu còn nhà hàng xóm lại đông vui, sum vầy. Nhưng không còn cách nào khác. Tôi đặc biệt hy vọng rằng mọi người sẽ suy nghĩ đến tình hình chung, bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và bảo vệ đất nước, cố gắng đón Tết tại chỗ, để đón Tết Nhâm dần một cách an toàn.”
Cũng theo chị, chính quyền thành phố Thiên Tân đã chuẩn bị sẵn sàng các công tác chuẩn bị cho người dân đón Tết Nhâm dần tại chỗ. Nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại và lây lan; quan tâm, chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn; làm tốt công tác đảm bảo cung ứng thị trường và bình ổn giá cả.
Tổ chức các hoạt động đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch tốt; ngành giao thông vận tải có kế hoạch tổng thể trong công tác vận chuyển hành khách đảm bảo nhân dân đi lại an toàn; kiên quyết ngăn chặn và hạn chế không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông.
Nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định chung của xã hội; đón Tết tiết kiệm, văn minh, phát huy các phong tục tốt đẹp của đất nước; không để xảy ra tình trạng tham nhũng; tăng cường trực trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán để đảm bảo an toàn trật tự cho mọi hoạt động.

Với Hồng Hạnh, Tết của người Việt Nam không chỉ là đoàn viên mà còn chất chứa biết bao ân tình. Buồn, thất vọng hơn cả là bao ngày ngóng chờ, chuẩn bị tỉ mỉ cho một cái Tết đoàn viên, nhưng đến cận Tết thì mọi kế hoạch bị đảo lộn hết.
Những ngày này, tiết trời ở Thiên Tân đã rất lạnh, tuyết trắng rơi phủ kín mái nhà và đường phố. Không bao lâu nữa hoa đào sẽ khoe sắc và mùa xuân sẽ về với mọi nhà. Đại dịch COVID-19 đã khiến cô lỡ hẹn cuộc đoàn viên gia đình. Cô luôn hy vọng và mong chờ Tết sẽ được về nhà.
Trong trái tim cô vẫn luôn mong chờ cuộc đoàn viên, sum họp gia đình sau khoảng thời gian dài xa cách nhưng với điều kiện sống xa đất nước như cô thì ngày về quê mẹ có lẽ vẫn còn xa.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Trải qua một năm nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, mỗi gia đình, đơn vị, địa phương, quốc gia trên thế giới đều đang thích ứng với nhịp sống bình thường mới, chuẩn bị đón mùa Xuân tới với tâm thế tin tưởng ở những điều tốt đẹp hơn trong Năm mới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới, để có một cái Tết an lành, hạnh phúc, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, mỗi người chúng ta sẽ không thể chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng dịch cần thiết.
Chúng ta không nên lo âu thái quá nhưng khi tham gia các hoạt động trong dịp Tết, mỗi người cần có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy tắc 5K mà cơ quan chức năng đã khuyến cáo.
Chúng ta nên ủng hộ phong cách đón Tết mới, trên tinh thần tiết kiệm – văn minh. Trong đó, hãy dành một phần tiết kiệm để giúp đỡ, san sẻ yêu thương cho người khuyết tật, người lao động nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người khó khăn… do ảnh hưởng bởi dịch bệnh (không nên lãng phí vào những vấn đề tặng quà, trong tiệc tùng tất niên, tổng kết đình đám, thờ cúng hoang phí không văn minh…). Tinh thần đó rất cần được phát huy, nhân rộng trong thời khắc này để ai ai cũng được đón Tết.
“Tôi thấy cuộc sống của người khuyết tật ở Trung Quốc được quan tâm ở mọi ngóc ngách cuộc sống, để họ có thể hòa nhập vào cuộc sống một cách bình thường nhất có thể”. Đây là cảm nhận sâu sắc của một người Việt Nam đã sống ở Trung Quốc 19 năm.

Chị Đỗ Hồng Hạnh là một người rất yêu thích công việc thiện nguyện, chị thường xuyên đưa hai con tham dự các hoạt động thiện nguyện do khu chung cư tổ chức. Vì vậy, chị cũng thường xuyên tiếp xúc với công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật Trung Quốc.
Theo chị Hạnh, cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật Trung Quốc được không ngừng hoàn thiện khiến chị đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của người khuyết tật Trung Quốc. Các thiết bị giúp đỡ người khuyết tật xuất hiện liên tục khắp mọi nơi và ngày càng nhiều. Vỉa hè trên đường lớn luôn có hai hàng gạch nổi với chấm tròn hoặc vạch ngang dọc cho người mù. Bên cạnh cầu thang ở cửa vào trong hầu hết các tòa nhà trong khu văn phòng, nhà ở hay ga điện ngầm đều có đường dốc thoai thoải dành cho xe lăn.
Điều tôi đặc biệt ấn tượng là nhà vệ sinh công cộng ở các khu mua sắm dù cao cấp hay bình dân, kể cả những khu vệ sinh công cộng ở các trạm phục vụ trên đường cao tốc hoặc khu du lịch luôn có một nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật hoặc hoạt động bất tiện với đầy đủ các thiết bị nâng đỡ, trợ giúp. Tôi mong muốn tất cả người dân Việt Nam đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Với nơi mình sinh ra và lớn lên thì điều đó lại càng đúng, lòng mỗi người đều luôn hướng về đó. Đất nước luôn là điều thiêng liêng đặc biệt. Đi xa càng lâu, tình yêu dành cho quê hương càng lớn, càng da diết. Tôi cảm phục tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau vượt qua thiên tai, dịch bệnh của đồng bào. Khi thấy Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành cùng vào chung tay hỗ trợ và giúp đỡ người dân, ở xa quê, tôi rất cảm động”, chị Hạnh chia sẻ.
Chúng ta hy vọng vào cái Tết ấm áp nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa tình người, an toàn vượt qua dịch bệnh. Vì vậy, mỗi người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “5K + vaccine + công nghệ thông tin + lan tỏa ý thức của từng người dân”. Tết Nhâm Dần đã cận kề, một năm mới lại đến, nhưng với một bầu không khí khác thường do dịch bệnh COVID-19.
Dẫu có phải thay đổi thói quen lễ Tết, nhiều gia đình lỡ cơ hội đoàn tụ vào thời khắc được coi là thiêng liêng nhất trong năm, thì một mùa xuân mới vẫn về với niềm hy vọng cho một năm mới đủ đầy, ấm êm, vạn sự như ý. Đón Tết “bình thường mới” trong tâm thế tự tin thích ứng, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng thì Năm mới với mọi người, mọi nhà sẽ là những niềm vui trọn vẹn.
Mỗi người con của Tổ quốc Việt Nam, dù ở phương trời nào cũng luôn mong ngóng về quê hương. Với họ, đi xa là sự lựa chọn của số phận, nhưng không vì thế mà trái tim họ rời khỏi nơi họ sinh ra và lớn lên thời thơ ấu. Việt Nam thực sự đã rất kiên cường và bản lĩnh trước những khó khăn của đại dịch COVID-19. Những người con xa xứ luôn mong có cơ hội về nhà, bằng cách này hay cách khác đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam trong tương lai.

Đời Sống News