Đã hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức sâu thẳm của những năm tháng ở chiến trường Đông Bắc Cam-pu-chia vẫn còn in đậm mãi trong tôi, cùng với chiếc Ra-đi-ô…

Kỷ niệm chiếc Ra-đi-ô
Hồi ấy, bọn lính chúng tôi phải sống xa nhà, xa quê và thậm chí cũng không được hưởng chế độ nghỉ phép như các đồng chí sĩ quan. Điều đó cũng thật dễ hiểu, vì tình hình chiến sự vẫn còn ác liệt, đời sống vật chất và tinh thần còn thiếu thốn đủ bề. Nếu lỡ không may cho về nhà thăm chơi mà không trở lại là gây rắc rối lớn cho lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị.
Để bù đắp cho sự thiếu thốn về tình cảm từ hậu phương; các cấp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị kho quân khí Sư đoàn 307 chúng tôi đã thông cảm và cho phép anh em chiến sĩ được sử dụng chiếc ra-đi-ô bỏ túi để theo dõi tin tức từ hậu phương, đất nước cũng như những diễn biến chiến sự tại chiến trường Đông Bắc Cam-pu-chia.

Bọn lính chúng tôi ai nấy đều cảm thấy hớn hở, vui mừng vì chiếc ra-đi-ô bỏ túi giờ đây thực sự là người bạn đồng hành động viên, cổ vũ tinh thần phục vụ chiến đấu và gửi gắm, sẻ chia những tình cảm thiêng liêng, nồng ấm suốt chặng đường quân ngũ.
Cũng như nhiều anh em chiến sĩ khác, lúc nào trong túi áo bộ đội cụ Hồ của tôi cũng có chiếc ra-đi-ô. Tùy từng lúc điều chỉnh to, nhỏ để khỏi ảnh hưởng đến công việc cũng như giờ giấc ngủ nghỉ của anh em trong đơn vị.
Từ các bản tin thời sự trong nước, quốc tế, cho đến các bài xã luận, phóng sự – điều tra, gương người tốt việc tốt, … tôi đều cố gắng lắng nghe và lâu dần trở thành thói quen không bỏ được. Những người lính chúng tôi coi đây là món ăn tinh thần bổ ích trong suốt hành trình quân ngũ để làm tròn nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia.
Những giọng đọc đi cùng năm tháng…
Tuy không am hiểu lắm về nghiệp vụ phát thanh nhưng tôi xin mạn phép nói lên những cảm nhận từ đáy lòng mình với tư cách là một bạn nghe đài tâm huyết. Trong tất cả các thể tài báo chí, tôi thích nhất là các bài xã luận và Chương trình Đọc truyện đêm khuya – Đài tiếng nói Việt Nam.
Đối với thể tài xã luận, có hai giọng đọc ấn tượng, đó là: Nguyễn Thơ và Hà Phương. Hai giọng đọc ngang sức, ngang tài được thể hiện một cách hùng hồn, mạnh mẽ, toát lên được sức mạnh của bài viết, làm rõ nội dung tư tưởng theo ý đồ của tác giả.

Sự tròn vành, rõ chữ mới chỉ là yếu tố cần, còn kỹ năng đọc mới là yếu tố đủ. Hai chất giọng Nguyễn Thơ, Hà Phương giống như những lời tuyên bố thẳng thừng và đanh thép để tố cáo tội ác kẻ thù, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, góp phần củng cố lòng tin đối với nhân dân.
Do đặc thù của bài xã luận, người đọc cần chuẩn bị tâm lý ổn định và sức khỏe tốt để thể hiện cho hết câu, hết chữ mới nghỉ hơi, ngắt nhịp thì bài viết mới liên hoàn, mạch lạc và có tác dụng tích cực đối với người nghe.
Riêng phát thanh viên Hà Phương còn thể hiện rất tốt giọng đọc thể tài truyện, ký, tùy bút,… cùng với hai “giọng đọc thiên phú” là Tuyết Mai và Hoàng Yến góp phần cuốn hút bạn nghe đài vào Chương trình Đọc truyện đêm khuya.
Đặc biệt ở thể loại này, mỗi phát thanh viên phải là một nghệ sĩ đọc. Tùy vào nội dung tư tưởng của toàn bài viết nói chung và từng phần, từng đoạn trong bài viết nói riêng; người nghệ sĩ đọc phải thể hiện sự truyền cảm, sâu lắng, thiết tha hoặc du dương, bay bổng để lột tả được từng tính cách nhân vật.
Đọc như rót mật vào tai để cho người nghe say đắm đó là Tuyết Mai và Hoàng Yến. Chính hai giọng đọc bậc nhất của Chương trình Đọc truyện đêm khuya trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam là niềm tin và động lực, là phương thuốc tâm lý để cho những người chiến sĩ chúng tôi vào những năm tháng ấy luôn vững vàng tay súng, bảo vệ kho tàng vũ khí của sư đoàn, góp phần làm nên chiến thắng Đồi 547, một cứ điểm đầu não của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary vào mùa khô năm 1985.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, tôi trở về quê hương với bao mảnh đạn nhỏ còn sót lại trên đùi, trên ngực cùng với những ám ảnh về một thời khói lửa đạn bom… Nhưng có lẽ chiếc Ra-đi-ô nhỏ bé vẫn là người bạn tri kỷ, theo tôi bắt nhịp cùng với “hơi thở” của thời gian và cuộc sống…
Dẫu bây giờ, thế hệ trẻ thời @ chẳng thể mường tượng ra chiếc Ra-đi-ô ấy quý giá như thế nào đối với những người lính xa quê năm nào… Chao ôi, nhớ lắm…!!!
Đời Sống News
- Những “cô Tiên”, “ông Bụt” mang hơi ấm đến lao động nghèo vô gia cư
- Tàu bay thứ 2 của Vietravel Airlines đã về đến Sân bay Tân Sơn Nhất
- Bức tường vàng Tiệm bánh Cối Xay Gió Đà Lạt đã trở lại?
- Đàm Vĩnh Hưng hát live từ 4 giờ chiều trong hoàng hôn Đà Lạt
- Google “thâu tóm” Fitbit với giá 2,1 tỷ USD
- Lịch Tết và những hoài niệm khó phai
- Bản hoà âm lãng mạn Silk Path Grand Hue Hotel & Spa