Câu chuyện cảm động về tấm lòng của Người thầy thuốc – nữ hộ sinh giàu tình nhân ái đã dang tay cứu giúp sản phụ vượt qua “cửa tử” trong thời khắc khó khăn, nguy kịch nhất.

Bác sĩ Mỹ Duyên kể, cho tới giờ phút này, đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên kỷ niệm khó phai về những năm tháng gắn bó với nghề y, với những mảnh đời lam lũ, những số phận đáng thương.
Hôm ấy, miền Trung rét buốt, đêm đã dần khuya, bầu trời tối đen như mực, leo lét ánh đèn dầu, tôi đang mơ màng chìm trong giấc ngủ thì bỗng dưng có tiếng gõ cửa, mỗi lúc càng to và dồn dập: “Cô Duyên, cô Mỹ Duyên ơi! Mở cửa giúp con với!”.
Đó là tiếng của người quen. Tôi nghĩ thầm: “Nếu có chuyển dạ sinh thì cũng không đến nỗi gấp gáp và la toáng lên như vậy”. Nói thế thôi nhưng tôi cũng trả lời nhỏ nhẹ, vừa dụi mắt vừa lấy áo choàng trắng mặc vào.
Người phụ nữ với vẻ mặt hốt hoảng và sốt sắng: “Cô ơi! Cô làm ơn lên xe con chở gấp, em gái con đau bụng dữ dội và máu ra nhiều lắm!”.
“Ôi trời! Em ơi! Sao không chở lại đây mà bảo cô đến đó? Tay không làm sao đủ thuốc cấp cứu?” – Tôi vừa nói vừa xách giỏ chạy ra và như theo mệnh lệnh của trái tim người thầy thuốc, vội vàng ngồi gọn trên xe cho cô ấy chở đến nhà.

Vừa tới nơi, trước mắt tôi là hình ảnh của căn nhà nhỏ lụp xụp, khoảng 2 – 3 cái giường ngủ kề gần nhau; kẻ nằm cong, người ưỡn bụng, kéo cái mền rách te tua.
Trời ơi! Một sản phụ tuổi đời còn rất trẻ, máu ra ướt cả quần mà không nghe tiếng la hét hay rên rỉ gì cả? Mặc dù gương mặt hốc hác, trên trán lấm tấm những giọt mồ hôi, nhăn nhó cắn răng chịu đựng những cơn gò đau đớn.
Nhìn sang bên là giường của hai ông cháu đặt cạnh đó. Một cảnh tượng rất lạ mà người làm nghề y như tôi chưa gặp bao giờ!
Người phụ nữ đưa tôi đến, ghé sát vào tai tôi nói nhỏ: “Đây là cha chồng em. Người sắp sinh con là con gái ông và cũng là em chồng em. Nhờ cô khám giúp cho em nó! Cả nhà em không có một đồng nào, gạo cũng hết từ hôm qua. Em nó lỡ dại có thai nên giấu cha mẹ, chỉ cho một mình em biết thôi”.
Thoáng chau mày nghĩ ngợi: “Ái chà, một trường hợp khó, làm sao bây giờ?”.
Sau giây phút ngập ngừng, tôi vội lấy cái mền rách đắp cho sản phụ trẻ, thăm khám và nghe tim thai. Không có tim thai, đầu thai nhi xuống sát, mở cổ tử cung gần hết. Tình huống trở nên nguy kịch.
Tôi lắc đầu báo tin: “Em ơi! Thai tử rồi. Chị rất tiếc!”.
Bây giờ chuyển đi có thể sinh giữa đường, vì từ nhà đến Bệnh viện tỉnh 10 cây số. Mà đi xe đạp cọc cạch này biết bao giờ mới tới? Trong tình huống nguy cấp ấy, đầu óc tôi căng như dây đàn. Làm sao để cứu sống sản phụ bây giờ?

Cuối cùng tôi hỏi như thể quyết định: “Thôi thì mình sinh tại nhà bây giờ nha em! Chị sợ đi đường xa không kịp”.
Sau cái gật đầu đồng ý của hai chị em, tôi như tiếp thêm nghị lực, quyết tâm bình tĩnh tập trung cao độ để cứu sản phụ thoát khỏi bàn tay “tử thần”.
Nhìn nước mắt em chảy, mím chặt môi như thể gắng gượng chống chọi những cơn đau vì sợ cha thức giấc, nếu biết chuyện sẽ nổi trận lôi đình, khiến trái tim tôi đồng cảm xót thương!
May sao trời cũng thương, sau bao nỗ lực cố gắng, tôi cũng đã giúp sản phụ ấy vượt qua thời khắc nguy hiểm.
Đưa mắt nhìn đồng hồ đã là 2 giờ sáng, sức khoẻ em vẫn còn yếu nên tôi bảo cô chị ở lại chăm sóc cho em và đem thi hài đứa bé bạc mệnh đi chôn cất đàng hoàng. Một mình tôi lặng lẽ ra về trong niềm xót thương vô hạn về những kiếp người mỏng manh…
Đường tối, gió lùa, trời mưa rả rích mang theo những tâm trạng khắc khoải đi theo chiều dài năm tháng…

Đời Sống News (Ghi theo lời kể Bác sĩ Mỹ Duyên, tên nhân vật đã thay đổi).
- Y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục chi viện cho TPHCM
- Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc dành nhiều ưu đãi cho phụ nữ từng nhiễm Covid-19
- Labor Dance – Điệu nhảy dành cho mẹ bầu có tác dụng thế nào?
- Lái xe taxi Mai Linh kể chuyện 83 ngày đêm cấp cứu F0
- Vietravel liên kết phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long