Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề. Với những người đi làm xa, đây có lẽ là thời điểm mong chờ, khao khát được về đoàn tụ với quê hương, gia đình. Tuy nhiên, ở lại thành phố hay về quê đón Tết? Đó vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người dân lao động xa quê, nhất là giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp.

Những ngày qua, một số địa phương đã phát đi thư ngỏ, khuyến cáo người dân sinh sống ở vùng dịch không về quê trong dịp Tết Nhâm Dần. Ở các văn bản này đều có chung nội dung: Không nên về quê nếu không thật sự cần thiết.
Sự lo lắng của các địa phương âu cũng là điều dễ hiểu, khi dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, hằng ngày tổng số ca nhiễm của cả nước đều trên 15 nghìn ca, Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước với số ca nhiễm cao nhất hơn 2000 ca/1 ngày.
Đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều người lao động bị mất việc, bị giảm thu nhập, giáo viên, học sinh cả năm không được lên lớp, chỉ dạy và học online ở nhà, không có cơ hội giao tiếp với bên ngoài xã hội, cảm giác rất tù túng, khó chịu. Tâm lý chung của mọi người là muốn về quê sum họp, đón Tết với gia đình sau mấy năm dịch bệnh gần như rất hiếm đi chơi.
Với một người con đi làm xa quê hương như tôi, thời điểm giáp Tết có lẽ là thời điểm mong chờ nhất sau một năm có quá nhiều khó khăn, mệt mỏi vì áp lực công việc, gánh nặng gia đình, sự lo lắng về nguy cơ bị nhiễm COVID bất cứ lúc nào. Khao khát được khỏe mạnh, bình an về đoàn tụ với gia đình ở quê có lẽ là điều duy nhất tôi mong chờ vào lúc này.

Thế nhưng, đọc tin tức những ngày này, tôi vô cùng băn khoăn trước khả năng có thể trở về nhà ăn Tết hay không? Liệu về quê có bị cách ly hay không, có mất Tết không…? Đó là những câu hỏi luôn nhảy múa trong đầu tôi lúc này.
Người dân làm việc tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… cũng tỏ ra ngần ngại khi quyết định về quê hay không, cho dù là ai cũng mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình. Về hay không về? Câu hỏi hẳn là câu hỏi chung của rất rất nhiều người. Đa phần đều lo sợ tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, về nhà phải cách ly 7 ngày thì không thể đi chơi nhà họ hàng, bạn bè.
Có lẽ, nhiều người sẽ cân nhắc việc có nên về quê đón Tết trong thời điểm này hay không. Thực tâm, tôi cũng rất nhớ cha mẹ, ước ao được về quê đón tết, đi chơi với bạn bè. Thế nhưng, nghĩ đến việc bị cách ly hoặc mang mầm bệnh về nhà, tôi lại băn khoăn, lo lắng. Mọi kế hoạch của người dân xa quê dường như có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào nếu quê hương thay đổi mức độ chống dịch.
Có những lúc tôi nghĩ, tôi vẫn còn được sống khỏe mạnh, bình yên cùng gia đình, vẫn còn được ngồi dạy học online tại nhà, vẫn còn được đi làm bình thường, vẫn còn kiếm ra thu nhập để lo cho gia đình, đã là rất may mắn rồi. Bởi vì ở ngay trong cùng thành phố này vẫn còn có những người đang căng thẳng chống dịch vì sự an toàn của số đông, họ làm gì được nghĩ đến Tết, làm gì có cơ hội đi về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Thời điểm này đã rất khác so với năm ngoái khi tỷ lệ phủ vaccine của Việt Nam đã tăng đáng kể, cả nước đã và đang từng bước thích nghi, sống chung với dịch thay vì đóng cửa, phong tỏa diện rộng như trước. Nhưng chúng ta không vì thế mà chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch. Phòng bệnh phải bảo đảm hiệu quả để giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh.
Tôi nghĩ rằng Tết năm nay, về được đến quê để sum họp với gia đình đã là niềm hạnh phúc rất lớn, chúng ta sẽ chịu khó ở nhà, không tụ tập đông người, không đi du xuân như những năm không có dịch. Trước khi về quê, chúng ta nên đến cơ sở y tế test COVID-19 cũng như tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế) trong suốt những ngày đón Tết ở quê nhà.
Chúng ta cũng cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên. Nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng, chống COVID-19 giúp mọi người có thể giữ được niềm vui ngày Tết, an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình và cộng đồng.
Làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng hiệu quả với hoàn cảnh không chỉ là hành vi văn hóa, mà còn thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là khi biến chủng Omicron đã xuất hiện ở nước ta, thì chúng ta vẫn phải cảnh giác cao độ, kiên quyết không cho bệnh dịch bùng phát mạnh trở lại.

Đời Sống News (TS Vũ Thị Minh Huyền – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).