Cứ mỗi năm Tết đến Xuân về, lòng tôi lại da diết nhớ gia đình, quê hương xứ sở. Thèm lắm mùi Tết nguyên đán cổ truyền Việt Nam. Bắc Kinh – Trung Quốc giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ Tết Việt. Có cái gì đó mộc mạc, thân thương bỗng chợt ùa về trong tôi những ngày giáp Tết Nhâm Dần.

Hoà trong không khí ấm áp Xuân sang là những giai điệu ngọt ngào: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người”.
Chẳng biết tự bao giờ người ta lại man mác buồn khi nhắc tới người xa xứ? Cũng đúng thôi! Bất luận vì lý do gì ra đi, những người xa xứ cũng đều có chung trong tâm khảm của mình một cái gì đó sâu lắng về quê hương, xứ sở, về nơi mình đã dứt áo ra đi.
Nỗi nhớ nhung theo năm tháng cứ chất đầy lên, đầy lên, để cho ai đó lại nghẹn ngào mỗi lần nghĩ về quê hương. Thế là mười chín năm rồi con làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ.
Mẹ ơi! Hầu hết người Việt sống xa quê ai cũng muốn được về sum họp bên gia đình trong giờ khắc năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện trở về đón Tết với gia đình. Ở xứ người dẫu có mâm cao cỗ đầy cũng không thể nào con quên được hương vị Tết Việt có những món ăn do chính bố mẹ nấu.
Con nhớ món dưa hành, dưa kiệu mẹ làm để ăn cùng bánh chưng, nhớ đặc sản bánh gai của Nam Định quê mình do chính tay mẹ làm để biếu ông bà nội, ngoại và thắp hương các cụ nhà mình trong dịp Tết. Những ngày này cuối năm ở quê mình chắc đã nườm nượp người rủ nhau đi mua sắm, nghĩ đến đó con đã thấy rưng rưng, cảm giác nôn nao… muốn về bên mẹ.

Ký ức về những ngày Tết ngày xưa lại hiện về. Con nhớ những buổi chiều bốn mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, nhớ những ngày 28 Tết cả nhà quây quần để cùng gói bánh chưng, trong nhà ngoài ngõ tiếng nói cười râm ran, trẻ con tung tăng khắp nơi. Tiếng gọi nhau í ới. Cả nhà bên nhau cùng gói bánh, làm giò chả. Để rồi tối hôm đó, bên bếp lửa hồng cùng nồi bánh chưng nghi ngút khói mọi người kể cho nghe những việc mình đã làm được trong năm cũ.
Con còn nhớ những ngày bố thay bốn mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương. Con nhớ cả những ngày ngồi bên bếp lửa, nấu cơm bằng củi khô. Nhớ mùi cơm nếp, nhớ những món ăn mẹ nấu đơn giản thế thôi mà sao vẫn thấy ngon đến vô cùng.
Con nhớ những đêm trăng ngồi trước sân nhà mình nghe mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa, nhớ những ngày mẹ nấu cho nồi nước bồ kết để gội đầu, nhớ những buổi trưa nắng chói chang cùng chị Hiền và em Hương đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, châu chấu… nhớ, nhớ nhiều lắm đi thôi.
Mười chín năm xa nhà cùng với bao bước chân lúc thấp, lúc cao, lúc như được bay giữa bầu trời hạnh phúc, lúc thấy mình như không thể đứng dậy và bước đi được nữa. Nhưng con đã biết vượt qua những khốn khó đời thường ấy, đã biết xây cho mình những nền móng cho tương lai. Mười chín năm với biết bao nhiêu lần thổn thức trong đêm quẹt ngang dòng nước mắt những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm…
Nhưng rồi dần dần, con đã tập bắt nhịp với cuộc sống mới và trôi theo dòng chảy đó, quê hương bỗng trở thành một nỗi nhớ, một cái gì đó mà con chỉ có thể nuôi dưỡng ở trong ký ức chứ không thể chạm tay tới được khi mình muốn. Và nỗi nhớ đó theo thời gian cũng lặng hơn, nó không còn quay quắt và đớn đau như cái ngày con mới theo chồng sang làm dâu xứ lạ nữa… Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu quê hương trong con đã ít đi.

Bạn bè của con cứ bảo là: “Tết ở Việt Nam bây giờ buồn lắm!”. Con không biết mọi người mong đợi điều gì ở những ngày Tết. Còn con, con chỉ ước giá như mình có một đôi cánh để có thể bay về sà vào lòng của những người thân yêu trong gia đình. Tết đối với con, có lẽ chỉ cần được ở bên cạnh những người mình yêu thương, thế là đã đủ lắm rồi.
Do tình hình đại dịch COVID diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng nên con không về nước thăm quê được nhưng sắp đến tết âm lịch là con cũng chuẩn bị tìm mua các nguyên liệu để gói bánh chưng, gạo nếp để thổi xôi, làm Nem, nấu canh Măng… để cho con của con hiểu thêm về văn hóa ẩm thực có các món ăn Tết của Việt Nam.
Có dịp là con lại giới thiệu với các con về Tết cổ truyền có những thứ gì và có những tập tục gì. Như tục đi tảo mộ tổ tiên, lễ đưa ông Táo về trời, hướng xuất hành, tục xông nhà vào sáng mùng một, rồi chúc thọ, tiền lì xì cùng các thủ tục kiêng kỵ khác… Nhưng cuối cùng ý muốn nói Tết đến là lúc cả gia đình phải họp mặt đông đủ, nhất là bữa cơm chiều ba mươi thì không thể thiếu.
Dù đi xa đã bao năm, dù trở về đã bao lần, con vẫn cứ rạo rực khi ai đó kể chuyện về quê hương, đất nước của mình, như là khám phá đầu tiên, như là những gì rất mới lạ. Vẫn bâng khuâng mỗi lần trở lại quê hương, bồi hồi như buổi đầu hò hẹn của mối tình trong trắng thuở học trò.
Trở về với thực tại, ở phương trời xa nghĩ về quê mẹ, mỗi người sẽ có một cảm xúc riêng. Nhưng đều có chung tâm trạng là nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ chị em, bạn bè, nhớ lúc sum vầy bên những người mà mình yêu thương. Tha hương cũng đón tết, nhưng cái tết không đầm ấm, vui vẻ và trọn vẹn. Vẫn nở nụ cười thật tươi trên môi mà vẫn thấp thoáng đâu đó trên gương mặt nỗi buồn, lạc lõng, nhớ nhung.

Hôm nay đã là cuối tháng chạp. Một năm cũ sắp qua, một năm mới sắp đến. Con lại bắt đầu vấn vương với những suy nghĩ của mình. Hơn hai năm nay, khi dịch COVID kéo dài thì mong mỏi về một ngày Tết trên quê hương càng khó thực hiện hơn với con.
Nửa đêm tỉnh giấc. Con nhìn ra ngoài trời đầy tuyết trắng. Bên ngoài trời lạnh lắm. Lòng con cũng se lạnh. Bỗng dưng, con thấy mắt mình cay cay. Mười chín năm rồi, vậy mà trong con vẫn nguyên cảm giác ấy. Ôi! Nỗi lòng người xa xứ, cuối năm! Một cảm giác nhớ nhung trào dâng trong lòng khi nghĩ về quê hương.
Mùa xuân đang về trên những cây mai, cây đào và tiếng cười nói rộn rã nhưng trong lòng con Tết chưa trọn vẹn. Đó là sự ấm áp của phút sum vầy đoàn tụ bên người thân, gia đình, là mùi vị Tết của nơi chôn nhau cắt rốn vốn đã khắc sâu trong tâm trí con. Con hy vọng một năm mới bình an, hạnh phúc đến với mọi gia đình. Hơn hết là cầu mong dịch COVID sớm kết thúc, để những người con xa quê như con được trở về thăm quê hương, thăm gia đình.
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương/ Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về/ Nay én bay đầy trước ngõ/ Mà tin con vẫn xa ngàn xa/ Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui/ Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi/ Bên mái tranh nghèo ngồi bên bếp hồng/ Trông bánh chưng ngồi chờ trời sáng/ Mẹ thương con xin đợi ngày mai.” (Trích trong Bài hát: “Xuân này con không về”, Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân).

Đời Sống News (TS. Vũ Thị Minh Huyền – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).