Mặc dù đạt được những thành tựu vẻ vang và có cơ duyên được mời sang dạy võ ở nhiều nước trên thế giới, truyền bá tinh hoa Võ thuật cổ truyền Việt Nam ra năm châu bốn bể nhưng vị Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo vẫn âm thầm lặng lẽ cống hiến, góp phần phát triển nền võ học nước nhà hoà vào dòng chảy chung của nhân loại và một lòng hướng về quê cha đất tổ. Với ông, quê hương là nơi ta muốn về…

Đại võ sư Trương Văn Bảo – “Cánh chim không mỏi”…
Mới đây, Đại võ sư quốc tế Văn Bảo được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (nhiệm kỳ 2018- 2023), kiêm Trưởng Ban quan hệ quốc tế, Phó Trưởng Ban chuyên môn, nắm giữ vị trí chủ chốt trong Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị quốc tế, hứa hẹn những bước tiến đầy triển vọng và khởi sắc vào sự phát triển nền võ học nước nhà nói chung và phố núi nói riêng.
Hơn 60 năm gắn với nghiệp võ, ông đã đào tạo hàng nghìn thế hệ học trò trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc chuyên tâm dạy võ, ông còn dành thời gian, công sức vào việc dịch thuật, nghiên cứu, viết bài lý luận Võ cổ truyền Việt Nam để góp phần vào kho tàng kiến thức võ học cho thế hệ mai sau.
Trong đó, nổi bật như: Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định (Phạm Đình Phong chủ biên – năm 2000); Chương trình huấn luyện Võ cổ truyền Việt Nam (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2002); Đời người nghiệp võ (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2003); biên soạn sách Võ cổ truyền Việt Nam – 2 tập (Võ sư Lê Kim Hoà chủ biên – năm 2011); dịch sang tiếng Anh sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Phương Tấn chủ biên – năm 2012); tác giả cuốn Lý luận Võ cổ truyền (xuất bản năm 2018); cộng tác biên soạn Nghiệm phương Y Võ (Võ sư, Lương y Nguyễn Tấn Xuân chủ biên – năm 2018).

Ngoài ra, Võ sư Trương Văn Bảo còn viết trên 300 bài lý luận võ học về chuyên môn, triết lý, văn hoá, lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam và hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam…
Đặc biệt, Văn Bảo là một trong số ít võ sư hiếm hoi được cử và mời sang nước ngoài truyền dạy võ thuật với lịch trình dày đặc, khắp các châu lục trên thế giới, từ Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc…; nơi nào ông cũng nỗ lực truyền bá tuyệt kỹ võ thuật và nét đẹp văn hoá, lịch sử, con người Việt Nam. Nhờ vào “duyên võ” mà ông được đi, được mở rộng tâm hồn, nâng cao kiến thức và cũng nhờ vào Võ cổ truyền mà bạn bè năm châu biết đến một dân tộc Việt Nam nhỏ bé, hiền hoà nhưng rất đỗi anh dũng, kiên cường, bất khuất…
Cứ mỗi chuyến đi xa công tác là mỗi dịp Văn Bảo được mở mang tầm mắt, mang trên mình sứ mệnh truyền bá võ thuật, đối chiếu, so sánh, để từ đó nâng tầm võ học quê hương, đất nước. Bởi theo ông, mỗi dân tộc đều có những chiêu thức võ thuật đặc sắc riêng. Võ Ta hơn võ nước ngoài là ở tinh thần thượng võ, ý thức tự tôn dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc qua hơn 4 nghìn năm lịch sử.
Ông được ví như “cánh chim không mỏi”, trọn đời cống hiến, trọn đời tâm huyết, trọn đời vô ngã, một lòng một dạ với quê hương, non sông; dẫu thế giới ngoài kia vô vàn những ánh sáng hào quang rực rỡ, giàu màu sắc, văn minh, tiến bộ đến đâu thì trong sâu thẳm trái tim ông vẫn khắc ghi và tự hào về dòng máu lạc hồng, về dải đất in hình chữ S nghìn năm văn hiến.

Quê hương là bến đỗ bình yên…
Một tín hiệu vui là, sắp tới trong năm nay, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ thành lập Học viện Thế giới đào tạo, nghiên cứu và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam (gọi tắt là Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam).
Nơi đây sẽ quy tụ các Võ sư cao cấp trong nước và nước ngoài, có trình độ chuyên môn cao, có bề dày hoạt động võ thuật và kinh nghiệm về nhiều mặt để nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực võ thuật, chú trọng bảo tồn vốn quý Võ cổ truyền Việt Nam. Qua đó, hình thành một nền Võ học cổ truyền Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, “bắt nhịp” với xu thế phát triển của thời đại.
Trước mắt là, ổn định cơ cấu tổ chức, phân công các ban chức năng, quan trọng nhất là yếu tố con người, ai sẽ làm, làm cái gì, lấy gì để làm; mục tiêu, định hướng, giải pháp thực hiện, cần có thời gian và lộ trình cụ thể; không giống như một trận võ đài hay biểu diễn một bài quyền tay không hoặc binh khí mà cần kiến thức đa năng, đa chiều trong nhiều lĩnh vực, chung tay xây dựng của nhiều người.
Võ thuật cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, triết học, quân sự, truyền thống và nhất là tính “võ trận” trong cấu trúc đòn, thế mà tiên tổ Việt Nam đã dày công xây dựng và dùng để chiến đấu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.
Học viện sẽ nghiên cứu, phục dựng lại những di sản vật thể và phi vật thể của nền võ học Việt Nam; suy tôn, vinh danh những anh hùng dân tộc đã sử dụng Võ thuật cổ truyền Việt Nam để bảo vệ đất nước. Cơ cấu tổ chức của Học viện bao gồm: Viện trưởng, Hội đồng cố vấn, các Phó Viện trưởng, Văn phòng Học viện và các Ban chức năng.

Được biết, Trụ sở Học viện sẽ đặt tại quận Ba Đình (Hà Nội); Văn phòng Học viện là một tòa nhà xây dựng kiểu lâu đài tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình); có 4 Phân viện trong nước tại: Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng. Ở hải ngoại có 3 Phân viện tại: Đông Âu (Nga), Tây Âu (Pháp), Châu Phi (Burkina Faso).
“Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng chỉ là thành viên khiêm tốn trong gia đình Võ cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc hết lòng mình, đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Những công việc tuy nhỏ bé nhưng thiết thực, cụ thể sẽ giúp cho Võ cổ truyền Việt Nam phát triển bền vững.
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng không có điều kiện thuận lợi về thiên thời, thiếu yếu tố địa lợi, nên trong cách hành xử chọn lấy nhân hòa, là yêu thương giúp đỡ lẫn nhau cùng đi lên. Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Một giọt nước không đủ để làm nên ly nước nhưng nhiều nhiều giọt nước hợp lại sẽ làm đầy ly nước”, Võ sư Bảo chia sẻ.
Tại thành phố sương mù này là bến đỗ bình yên, là nơi ông muốn về để tiếp tục cống hiến, góp phần vực dậy phong trào Võ thuật cổ truyền dân tộc bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao cho võ sinh và cả lực lượng công an, quân đội địa phương.

Đồng thời, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về là nhân dân ở khắp mọi miền tụ hội về đây để được tận mắt chứng kiến những màn biểu biểu diễn, thi đấu võ thuật cổ truyền dân tộc đặc sắc, giàu tinh thần thượng võ và hào khí Đông A. Bên cạnh, Đại võ sư quốc tế còn tận tâm truyền dạy võ thuật tại Võ đường Trần Hưng Đạo của mình ở quê nhà, kết hợp gửi gắm những bài học đạo lý làm người tốt đẹp, hướng con người ta vươn đến cái chân- thiện- mỹ của cuộc đời; với mong mỏi làm sao thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước, con hơn cha là nhà có phúc, góp phần phát triển nền võ học dân tộc bay cao và vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Muốn thế thì mỗi chúng ta cần phải không ngừng học tập, rèn luyện; bởi “văn ôn, võ luyện” thì mới sắc bén, tinh nhuệ và tiến bộ được.
“Tôi không đòi hỏi Tổ quốc phải làm gì cho tôi, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phải làm gì cho tôi. Mà trong sâu thẳm tâm thức, trái tim tôi chỉ mong mỏi làm sao mình còn đủ sức khoẻ để tiếp tục cống hiến, tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình vào sự toả sáng của nền võ thuật nước nhà, trong đó có quê hương, gia đình, những người thân yêu của tôi.
Dù đi đâu về đâu thì tôi vẫn một lòng hướng về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nơi gắn với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm và cả những chặng đường của một thời gian khó nhưng đậm đà nghĩa tình…”, Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo chân tình bộc bạch.

Đời Sống News
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 4)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 3)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 2)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 1)
- Đà Lạt “xanh” qua lăng kính của tác giả Ngô Văn Lai đoạt giải Nhất