Covid-19 đã trở lại và lợi hại hơn xưa. Mỗi người sẽ có cách đối diện với đại dịch khác nhau. Riêng tôi, tôi lại chọn cách ghi lại những khoảnh khắc thấm đẫm Nước mắt và Niềm tin vào những trang viết của mình…

1. Covid-19 trở lại, Tết này sẽ ra sao?
Ngày 29/01/2021:
Mấy hôm nay, nghe tin Covid-19 bùng phát trở lại lần 3, sau 55 ngày bình yên, tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… mà lòng tôi không khỏi lo lắng bất an.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết tính từ 6h đến 18h ngày 29/01/2021: 54 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Đồng Nai và 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhưng tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng Việt Nam ta sẽ chiến thắng dịch bệnh để nhà nhà được đón một cái Tết an vui. Bởi trong gian khó, dân tộc ta luôn một một lòng đoàn kết, kiên cường để vượt qua, được bạn bè quốc tế ngợi ca.
Hy vọng lần này cũng thế. Chúng ta cần bình tĩnh, đồng lòng đồng sức, tuân thủ nghiêm việc mang khẩu trang y tế, khai báo y tế và hạn chế tập trung đông người như Bộ Y tế đã khuyến cáo để bảo vệ an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội, bạn nhé!

Chiều 28/01/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải rời hội trường Đại hội để đến Bộ Y tế chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19.
Hình ảnh Phó Thủ tướng với gương mặt đăm chiêu xách cặp rời hội trường đã khiến cộng đồng mạng hết sức xúc động. Ai cũng cầu chúc cho ông thật nhiều sức khoẻ và mong Việt Nam sẽ sớm khống chế được đợt dịch mới này.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021,; hy vọng rằng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, đợt dịch Covid-19 này sẽ sớm được khống chế, để dân tộc Việt Nam được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, an vui.
2. Thương lắm miền Trung ơi!
Ngày 08/11/2020:
Sự trở lại của Covid-19 lần này thực sự là một nỗi đau. Bởi chỉ sau 90 ngày bình yên, nền kinh tế nước nhà chưa kịp hồi phục thì lại bị giáng “đòn chí mạng”, nhiều doanh nghiệp lao đao, hàng ngàn lao động tái thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh… Nhịp sống trầm lắng, ảm đạm bao phủ khắp các miền quê, trong đó có khúc ruột miền Trung thương yêu!
Nơi ấy có người thân, gia đình, bạn bè, làng xóm của tôi đang phải gồng mình hứng chịu những nỗi lo ám ảnh thường trực. Đó là, bao giờ “bão dịch” sẽ tan? Để vợ chồng, con cái được đoàn tụ; để các em thơ được cắp sách đến trường; để các sĩ tử vững tâm bước vào các kỳ thi quan trọng một cách an toàn. Để người lớn được đi làm, có tiền trang trải, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Có người nói: “Người ta chết vì nỗi sợ hãi, chứ không phải chết vì bệnh tật”. Có lẽ điều ấy đúng trong tình cảnh này.
Qua theo dõi thông tin, chúng ta không khỏi lo ngại trước sự “tháo chạy”, trốn cách ly; tình trạng “xe ké” chở người từ vùng dịch trở về nhưng tìm cách né chốt kiểm dịch hòng trốn cách ly y tế; hoặc sự thờ ơ của một bộ phận người dân thiếu ý thức, vô tình gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Dẫu biết rằng, dịch bệnh đến là điều không ai mong muốn và càng không mong muốn hơn khi trong lúc nguy khốn nhất, mình lại chơ vơ nơi đất khách quê người mà lòng không yên khi nghĩ đến hơi ấm người thân vẫn ngày đêm ngóng trông. Những lúc ấy, bạn chỉ muốn sà vào lòng mẹ hay trong vòng tay của người thân yêu, để tận hưởng những giây phút bình yên, quên đi những mệt mỏi và nỗi lo dịch dã.
Nhưng liệu bạn có dám chắc sự trở về của bạn từ vùng dịch ấy là “thương” đúng nghĩa? Xin thưa rằng, chẳng có một tình thương bao la, vĩ đại nào bằng sự hy sinh. Hy sinh nỗi nhớ, hy sinh cảm giác trống vắng, lạc lõng trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để mang lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội mới thực sự là “thương”!
Tôi cũng vậy, mặc dù rất nhớ gia đình, quê hương xứ sở, nhưng giữa thời điểm “bão” Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tôi chẳng thể “vô tư” chiều theo cảm xúc mà phải tỉnh táo, kiềm nén nỗi nhớ thương, lấy đó làm động lực để dồn hết tâm trí vào công việc; cầu mong sao tất cả mọi người đều bình an vượt qua đại dịch.
Ấy vậy mà, trong một cuộc điện thoại chiều nay, sau khi hỏi thăm tình hình sức khoẻ của gia đình, tôi mới vỡ lẽ cuộc sống của những người dân xứ sở miền Trung quê tôi phảng phất giai điệu trầm buồn hơn nơi tôi đang sống và làm việc!
Ở vùng quê heo hút, quanh năm gắn với ruộng vườn, bên luỹ tre làng; mùa mưa nước ngập ruộng vườn, bão lũ thất kinh; mùa khô nắng cháy da cháy thịt, cỏ rạ trơ gốc, thiếu nước sinh hoạt phải đi gánh, đi chở, đi xin, thậm chí phải mua nước đóng bình về để dùng trong ăn uống hằng ngày…
Thương lắm khúc ruột miền Trung! Dường như bao nhiêu gian khó, khắc nghiệt của điều kiện khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng không làm sờn gai ý chí kiên cường, đoàn kết, giàu lòng yêu thương và sẻ chia của những người dân lam lũ quê tôi!

Qua điện thoại, mẹ tôi kể, quê mình đang vào mùa nắng nóng, khô hạn lắm, con ạ! Đã thế, dịch dã cứ lây lan ngày càng nhanh, diễn biến phức tạp, chẳng biết đường nào mà lần! Chỉ thương các y bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội – những chiến sĩ quả cảm đang ngày đêm “căng mình” chống giặc Covid-19 để mang lại sự an toàn, bình yên cho nhân dân.
Ngày nào, loa phát thanh của xã cũng khuyến cáo bà con địa phương chú trọng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn, vệ sinh nhà ở và môi trường sống xung quanh, tránh tập trung đông người khi không cần thiết… Ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành, vì sợ con vi-rút.
Đoạn mẹ chùng hẳn giọng, thực hiện giãn cách xã hội nên các xưởng xí nghiệp, nhà máy cũng hạn chế ngày làm, giảm lương, số lượng người thất nghiệp cũng vì thế mà tăng cao, cuộc sống trở nên chật vật hơn.
Còn nông dân thì có vẻ ít bị biến động hơn. Nhịp sống vẫn cứ bình lặng với những công việc thường nhật, như: Tưới tắm, chăm sóc ruộng vườn, ao chuồng, cắt rau, hái quả… đem ra chợ bán hoặc chờ thương lái đến thu mua. Dĩ nhiên thu nhập sẽ có phần giảm sút so với trước khi có dịch nhưng tâm trạng người dân vẫn rất đỗi bình tĩnh, lạc quan sống, không hề hoang mang lúng túng.
Các cụ cao niên thì chăm chỉ tập luyện thể thao, đi bộ quanh nhà để tăng sức đề kháng và dẻo dai. Các em nhỏ dường như “ngoan” hơn, không còn những buổi tụ tập thả diều, đá bóng, trốn tìm, thả câu… vào mỗi buổi chiều mát; mà thay vào đó là tự mày mò làm đồ chơi ở nhà, phụ mẹ nhặt rau, dọn dẹp, nấu cơm…
Đợt vừa rồi, em rể tôi từ Quảng Nam về thăm vợ con cũng tự chủ động cách ly tại nhà 2 tuần, thấy tình hình sức khoẻ ổn định, không có các triệu chứng nghi nhiễm mới dám tiếp xúc gần với mọi người, gần vợ, gần con… Nghe đến đây, tự nhiên trái tim tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng không khỏi xúc động! Bởi dẫu sao gia đình lớn của tôi cũng được bình an và em rể tôi cũng có ý thức tự giác cách ly, chứ không hề chủ quan để mang lại sự an toàn cho những người xung quanh.
Và trong vô thức, tôi tự ngẫm đến mình… Giá như giờ này mình cũng ở quê, cũng được đoàn tụ cùng gia đình, nắm chặt tay, giữ vững niềm tin để truyền cho nhau sức mạnh tinh thần lạc quan, bình tĩnh trước Covid-19 thì thật ấm lòng biết bao!
3. An nhiên vượt “bão”
Ngày 15/4/2020:
Kể từ khi Covid-19 hoành hành, đặc biệt là trong thời gian thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã làm cho nhịp sống ồn ào, nhộn nhịp vốn dĩ của thời đại 4.0, trở nên tĩnh lặng như những nốt nhạc trầm buồn.
Trong đó, có không ít người ngồi ở nhà than ngắn thở dài, hoặc vùi mình trong chiếc chăn bông để quên đi ngày tháng, hoặc ủ rũ ngồi ở góc phòng lướt Facebook nhấn like, chẳng buồn nói chuyện với ai. Nhịp sống cứ thế trôi qua một cách chậm chạp, tẻ nhạt và vô vị.
Thậm chí có người còn tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội, gây bất an dư luận, bị ngành chức năng nhắc nhở, phạt hành chính, nghiêm trọng hơn, có trường hợp còn bị khởi tố hình sự.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm kia là những người lựa chọn cho mình cách sống an nhiên, tìm đến những việc làm hữu ích, khám phá những niềm vui mới, mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nhiều người tranh thủ chuỗi ngày cách ly, tham gia các khoá học thiền định, yoga để nâng cao sức khoẻ, giữ cho mình tâm thái bình yên; hay các chương trình hoạt động xã hội từ thiện; hoặc dành thời gian chăm sóc gia đình, vun vén mái ấm thêm tươm tất, hạnh phúc…

Điển hình như tại Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Hà, Kon Tum), tập thể giáo viên đã mua vải về may khẩu trang, phát miễn phí cho học trò để phòng chống Covid-19.
Tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), các bạn đoàn viên thanh niên đã làm nón kính, tặng các lực lượng tuyến đầu trong phòng chống “giặc vi-rút”. Bên cạnh đó, rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm trao tặng các suất cơm chay, quần áo, gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm cho người nghèo, người bán vé số và những mảnh đời bất hạnh để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.
Hay Nhóm Cộng đồng Facebook Thích Đà Lạt cùng với Quán Nhà của Thời Thanh xuân tổ chức chương trình phát xà phòng handmade miễn phí cho người dân thành phố ngàn hoa, với thông điệp cùng chung tay bảo vệ sức khoẻ, đẩy lùi dịch bệnh. Điều thú vị là, những “món quà” nhỏ nhắn, dễ thương ấy do chính tay các bạn trẻ khiếm thính đến từ Nhà của Thời thanh xuân làm ra, có sức lan toả mạnh mẽ, khiến nhiều trái tim rung động.
Anh Quang Ân, một doanh nhân thành đạt tại TP. Pleiku (Gia Lai) tâm sự, trước đây, cuộc sống của tôi hầu như xoay quanh bởi những con số và những chuyến công tác dài ngày, bao nhiêu chuyện gia đình, con cái đều do một mình bà xã quán xuyến.
“Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi có nhiều thời gian ở nhà, thường xuyên bầu bạn, tâm tình, chia sẻ chuyện bếp núc, nội trợ cùng vợ. Từ đó, thêm yêu tổ ấm, thấu hiểu, trân trọng giá trị gia đình hơn. Thì ra, hạnh phúc chẳng đâu xa, chẳng phải điều gì to tát lớn lao mà hạnh phúc đến từ những điều bình dị, gần gũi nhất..”, doanh nhân trẻ vui vẻ chia sẻ.
Theo chị Hạ Nhiên, một chuyên gia Tâm lý tại TP. HCM, chia sẻ, chúng ta hãy tận dụng “thời gian vàng” chống Covid-19 vào những việc làm ý nghĩa và thiết thực nhất. Bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Bộ Y tế khuyến cáo như đeo khẩu trang, tránh tình trạng tập trung đông người, sử dụng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nhà ở… thì việc “vệ sinh” tinh thần là điều vô cùng quan trọng.
Đây là lúc chúng ta “sống chậm”, nhưng sống chậm không có nghĩa là trì trệ, ủ rũ trong chuỗi ngày dài tràn ngập bóng đêm u ám và những nỗi sợ hãi, bất an, đến bao giờ “bão” mới tan? Mà sống chậm ở đây là lối sống trầm tĩnh, tích cực, có chiều sâu, với những giây phút lắng đọng để nghe thanh âm của cuộc sống, mở rộng tâm hồn, sẻ chia và yêu thương nhiều hơn.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương…”. Trong thời điểm gian khó này, mỗi chúng ta hãy chọn cho mình cách sống tích cực, lạc quan để cùng nhau an nhiên “vượt bão”….!
Đời Sống News.
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rời hội trường ra chiến trường chống Covid-19
- Nữ sinh Đắk Lắk trả lại bao lì xì chứa tiền USD, khi mượn sách thư viện
- Ấm lòng trong “Năm Covid”
- Những “cô Tiên”, “ông Bụt” mang hơi ấm đến lao động nghèo vô gia cư
- 16 giờ vượt đèo mang hơi ấm đồng bằng lên Cao nguyên đá Hà Giang