Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 là dịp để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của giới Doanh nhân vào sự phát triển quê hương, đất nước. Mời các bạn cùng Đời Sống News tìm hiểu ngày kỷ niệm đặc biệt này nhé!

Doanh nhân là gì?
Doanh nhân là một trong những thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay. Để hiểu rõ khái niệm Doanh nhân là gì? Mời các bạn cùng Đời Sống News ngược dòng thời gian trở về những thập kỷ trước khi ngành công nghiệp và thương mại bắt đầu xuất hiện.
Lúc này, những thương nhân trao đổi mua bán hàng hóa được xem là các Doanh nhân đầu tiên trong lịch sử loài người. Bản chất doanh nhân là những người làm ăn, kinh doanh.
Đến thời hiện đại, Doanh nhân được nâng lên một tầm mới, họ là người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, thực hiện các hoạt động thương mại hoặc công nghiệp với mục đích tạo ra dòng tiền, bán hàng và doanh thu. Họ sử dụng kết hợp vốn nhân lực, tài chính, trí tuệ và vốn vật chất để tạo ra sự tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế
Doanh nhân chỉ người sáng lập, chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn của một doanh nghiệp thương mại. Doanh nhân đôi khi cũng gắn liền với những vị giám đốc điều hành, quản lý doanh nghiệp mặc dù chưa chắc họ là chủ sở hữu.
Tuy nhiên, các giám đốc thuộc công ty nhà nước không được gọi là Doanh nhân. Doanh nhân là thuật ngữ dành cho những công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ngày trước, Doanh nhân chỉ gói gọn trong mỗi quốc gia, ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế toàn cầu, Doanh nhân có thể là từ các chủ đầu tư nước ngoài.
Nguồn gốc của ngày Doanh nhân Việt Nam
Nguồn gốc và lịch sử ngày doanh nhân Việt Nam xuất phát từ Quyết định số 990 ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải. Theo quyết định này, Ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm sẽ là ngày 13/10 gọi là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.
Ít ai biết rằng, ngày 13/10 cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 13/10/1945). Bởi vậy, Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày này làm ngày Doanh Nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.

Ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Việc thành lập ngày Doanh Nhân Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc. Hơn ai hết, những người doanh nhân cũng như những người nông dân, công nhân, trí thức. Họ đã vượt qua những khó khăn, thử thách, có vinh quang, có thành tựu cũng có những trầm luân với sự phát triển của đất nước,
Ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính là sự tôn vinh đóng góp của những người doanh nhân với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam sẽ là niềm động lực cho đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung.
Ngày nay, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Vai trò của các doanh nhân càng đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh cả về số và chất lượng, là thành phần đặc biệt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Với những vai trò to lớn đó, sự ra đời, của Ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ giúp những vị doanh nhân nhận thức đúng đắn, ngày càng hăng hái trong việc phát triển sản xuất, đưa kinh tế Việt Nam phát triển, hòa nhập với 5 châu 4 biển.
Một số hoạt động kỷ niệm ngày Doanh nhân 13/10
Như thường niên, ngày Doanh nhân Việt Nam13/10, nhiều địa phương, hiệp hội tổ chức gặp gỡ các Doanh nghiệp, Doanh nhân tiêu biểu hoặc các chuỗi sự kiện liên quan đến ngày lễ này.
Theo đó, một số hoạt động thể thao sẽ được tổ chức nhằm tôn vinh các đống góp của những doanh nhân trong thời kỳ đổi mới. Một số môn thể thao thường được tổ chức nhất là bóng đá, bóng chuyền, các giải golf, cầu lông…
Bên cạnh đó, với các doanh nhân thì việc dự hội thảo, hội nghị đã trở nên quen thuộc để kết nối các mối quan hệ làm ăn, gặp gỡ đối tác. Trong ngày này, việc tổ chức các hội thảo, hội nghị gặp gỡ doanh nhân cũng được tổ chức thường xuyên, tạo nên không khí năng động, phấn khởi, truyền động lực cho các doanh nhân thêm vững bước chèo lái con thuyền doanh nghiệp phát triển hơn.
Ngoài ra, một số bạn bè, đơn vị, tổ chức gửi lời chúc tốt đẹp cùng với những món quà ý nghĩa dành tặng giới Doanh nhân, với hy vọng Doanh nghiệp phát triển thịnh vượng, chủ Doanh nghiệp chinh phục những đỉnh cao mới…

Đời Sống News
- Doanh nhân thành công thường làm gì vào mỗi dịp cuối tuần?
- COACH Thu Hiền: CEO đã thực sự hài lòng với Doanh nghiệp của mình?
- Doanh nghiệp Lâm Đồng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Sự chân thành là yếu tố cốt lõi giúp Doanh nghiệp sống sót qua đại dịch
- COACH Thu Hiền chia sẻ bí kíp giúp Doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19