Không biết tự bao giờ, ánh sáng chiếc đèn dầu đã trở thành “tín hiệu” của những quán bán trứng vịt lộn và người bán trứng vịt lộn vô tình trở thành “sứ giả” lưu giữ chút gì để nhớ của ngày xưa…
Những tưởng, khi ánh sáng của đèn điện đã “phủ sóng” khắp muôn nơi, thì chiếc đèn dầu đã đi vào quá vãng. Thế nhưng, đêm đêm, tại một góc phố nào đó tràn ngập ánh điện, ta lại nao nao khi bắt gặp đóm sáng le lói của một chiếc đèn dầu.
Chị Hoa, người có thâm niên hơn 10 năm bán trứng vịt lộn vỉa hè đường NE8, Khu Đô thị – Công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bến Cát, Bình Dương), kể, nhà chị cách đây gần 5km nhưng chiều nào chị cũng lục tục mang đồ nghề ra đây để bán.
Theo chị, sở dĩ phải di chuyển quãng đường xa như thế để bán là vì người ta đã “ăn quen” nơi này, nên chị cứ thế bám trụ để “hành nghề”.
Đồ nghề của chị cũng chẳng khác gì của những người bán trứng vịt lộn khác, chỉ là mấy cái bàn, đôi chục cái ghế nhựa, mấy loại muối tiêu, muối gừng, rau răm, dưa leo… và chắc chắn là không thể thiếu trứng vịt lộn.

Nhưng có điều đặc biệt hơn một chút là mỗi khi nhá nhem tối, đứa con nhỏ của chị lại giúp mẹ khêu lên mấy ngọn đèn dầu trên mấy chiếc bàn nhựa dùng để bán trứng.
“Khách quen thì không nói gì, nhưng khách vãng lai, nếu không có đèn dầu người ta sẽ không biết mình bán trứng vịt lộn”, chị Hoa giải thích.
Theo những người sành ăn, ăn trứng vịt lộn mà không có cái thứ ánh sáng nong nóng, khen khét của đèn dầu là dường như thiêu thiếu một thứ gia vị nào đó(!).
Nhiều khi không chủ định ăn, nhưng bỗng thấy ánh sáng của chiếc đèn dầu, tự dưng muốn nán lại.

Chính vì vậy mà ánh sáng đèn dầu trở thành “tín hiệu” của quán bán trứng vịt lộn và chiếc đèn dầu đã trở thành “đồ nghề” không thể thiếu của những người bán trứng vịt lộn “truyền thống”.
Dù ánh đèn điện sáng chói có thể làm lu mờ ánh sáng leo loét của đèn dầu, thế nhưng công năng của loại ánh sáng thô sơ, quê mùa này đối với nghề bán trứng vịt lộn thì có lẽ không gì có thể thay thế.
Và thế là người bán trứng vịt lộn vô tình trở thành “sứ giả” lưu giữ chút gì để nhớ của ngày xưa…