Hoa đào đã bung cánh. Hà Nội đang chộn rộn những chuyến xe về quê đón Tết. Chợt trong điện thoại hiện dòng tin nhắn: “Con à, ở thành phố nếu khó khăn quá thì về đây. Không có tiền cũng cứ về nhà với mẹ nhé con! Về nhà đi con, có mẹ chờ, có mẹ đợi.”

Những ngày qua, bản rap “Mang Tiền Về Cho Mẹ” của Đen Vâu đã khiến hàng triệu trái tim đồng cảm xoay quanh những thông điệp bình dị, gần gũi mà nam Rapper truyền tải trong lời hát, cộng hưởng với giọng hát tuyệt đẹp của Nguyên Thảo. Tất cả đã tạo nên một sản phẩm gây sốt và làm rơi lệ cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, đã có không ít luồng tranh cãi rộ lên cũng xoay quanh lời bài hát “Mang Tiền Về Cho Mẹ”. Một bộ phận người nghe nhạc đã cho rằng quan điểm “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ” của Đen Vâu trong ca khúc là quá thực dụng, đi ngược lại sự tiến bộ cũng như thể hiện sự bất bình đẳng. Cũng đã có nhiều ý kiến công khai bênh vực Đen Vâu và cho rằng những suy diễn nói trên đã “đi quá xa”.
Thiết nghĩ, ý nghĩa của câu hát: “Mang tiền về cho mẹ” cho dù là hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng có lẽ không quá quan trọng, cũng không nên suy diễn quá nhiều. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng, khi cả thế giới này chống lại bạn thì mẹ vẫn luôn ủng hộ và tin tưởng bạn. Khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, hay khi vấp ngã và thất bại, mẹ chính là người vẫn luôn an ủi, động viên và đồng hành cùng bạn.

Chắc bạn vẫn chưa quên mỗi lần bạn gọi điện thoại nói rằng mình ốm, có phải mẹ đã bỏ hết việc ở nhà để chạy lên chăm bạn không? Chỉ có thể là mẹ mà thôi.
Chỉ cần mẹ nhìn thấy con đau khổ, chỉ cần mẹ biết con đang bị cuộc đời quật ngã, bị những kỳ vọng dập tả tơi, khi mẹ biết con đang chạm đáy – đó cũng là lúc, mẹ lại ở đó, sốt sắng dang rộng vòng tay đón con trở về.
Thời gian gần đây, bộ phim “Về nhà đi con” dành được rất nhiều sự quan tâm của khán giả cả nước. Và tôi cứ rưng rưng với câu thoại chan chứa yêu thương của nhân vật bố Sơn – một câu thoại như nói thay thông điệp xuyên suốt bộ phim, đồng thời cất lời thay cả triệu triệu bậc cha mẹ tới những người con trên khắp hành tinh này: “Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm, nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về.”
Người mẹ luôn gắn liền với đức hy sinh. Mẹ luôn nghĩ cho con mình trước tiên. Lo con có được cơm no ấm áo, có được học hành tử tế như người ta hay không. Lo con thua kém bạn bè. Lo con lấy phải người chồng, người vợ không tốt, mẹ lo nhiều nỗi lo lắm…
Hạnh phúc của mẹ là được nhìn thấy con mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc. Nếu đem con ra so sánh với những thứ giá trị khác thì con mẹ sẽ là tài sản vô giá nhất không gì sánh bằng. Và bởi vì con chính là nguồn sống, nguồn hy vọng của mẹ nên mẹ luôn quan tâm, lo lắng và ưu tư về con cái của mình và sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.

Con cái là một “Công trình vĩ đại” của mẹ nhưng “nguyên liệu” lại được đầu tư là sự hy sinh thầm lặng và vô điều kiện, là những thứ nhỏ bé nhất và vô giá nhất. Đó là tình yêu, thời gian, thanh xuân, sức khỏe, trách nhiệm, sự quan tâm… Dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, mẹ vẫn dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, thấu hiểu và học cách lớn lên cùng con.
Khi còn nhỏ, tôi hay bị mẹ đánh, cứ nghĩ là đau nhất trên đời. Khi ấy, tôi rất giận mẹ và nghĩ mẹ không thương tôi. Nhưng khi đi làm mới thấy, người đời đánh mình không cần đòn roi mà khiến mình bị tổn thương, cay đắng, vết thương lòng do họ gây ra cứ đi theo mình suốt cả đời cũng không thể liền sẹo.
Rõ ràng, chẳng ở đâu thoải mái, chẳng ở đâu có nhiều tình yêu thương như bên cạnh mẹ. Ngày bé không biết trân trọng, ra đời va vấp mới hiểu, chỉ có duy nhất trong gia đình, bị mắng chửi lại cảm thấy được yêu thương đến thế.
Lúc nhỏ, chúng ta luôn thương yêu mẹ. Chúng ta quấn quýt, thấu hiểu và không muốn xa mẹ dù là nửa bước. Thế nhưng khi lớn lên, khi mà bị đồng tiền chi phối quá nhiều, thì sự thấu hiểu của chúng ta đối với mẹ không còn nữa. Ta nói ta thương mẹ, kiếm tiền là để cho mẹ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhưng chúng ta thật khó thấy được nỗi buồn trên mặt mẹ. Bạn biết không, muôn đời vẫn thế, dù như thế nào, mẹ vẫn chọn con chứ không chọn tiền.

Càng trưởng thành thì càng muốn về nhà. Nhà chính là nơi bình yên và an toàn nhất để trở về. Bạn sẽ nhận ra rằng dù lớn chừng này rồi thì khi về quê bạn vẫn là một đứa trẻ, được mẹ chăm từng bữa cơm, giấc ngủ. Mà không chỉ bạn mong được về nhà đâu, mẹ còn ngóng trông bạn nhiều hơn nữa.
Dù con có lầm lỗi khiến bố mẹ phiền lòng thì cuối cùng bố mẹ vẫn luôn bao dung và tha thứ cho con, vô điều kiện. Ông bà ta có câu: “Nước mắt chảy xuôi”.
Ngoài kia, có vô số những bà mẹ luôn tin một ngày con sẽ tốt hơn, một lòng ngóng đợi con quay về dù con mình có gây ra bao nhiêu tội lỗi. Dù chúng ta có thành công hay thất bại, có bị người đời hắt hủi hay chối bỏ, thì mẹ vẫn luôn ở đó chấp nhận ta và cùng ta từ từ tháo gỡ, sửa chữa mọi sai lầm trong đời.
Còn xã hội, muốn được yêu thương vì phải có điều kiện. Suy cho cùng, giới này rộng lớn như thế, chỉ có mẹ mới thương ta vô điều kiện, còn xã hội này phải có “điều kiện” mới thương ta.
Cuộc đời dài rộng quá, nên những lo lắng, chật vật, mệt mỏi của cuộc sống cũng cứ thế mà nhiều thêm. Nếu như chỉ mải chạy hối hả mà quên dừng lại, chúng ta sẽ không biết được rằng hóa ra mình đã đi xa tới thế. Đến một lúc nào đó, hẳn bạn sẽ mệt nhoài, mồ hôi và nước mắt thấm ướt vai áo còn đầu gối mỏi rã rời…

TS Vũ Thị Minh Huyền, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam.
ĐỜI SỐNG NEWS Hotline: 0968 804 459 Email: bbtdoisongnews@gmail.com |