Ngày Cá tháng tư khá thú vị với những lời nói dối, bông đùa. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ đặc biệt này là gì? Mời các bạn cùng Đời Sống News khám phá qua bài viết sau.

Nguồn gốc Ngày Cá tháng tư
Nguồn gốc của ngày nói dối là từ nước Pháp do vua Charles IX tạo ra còn khái niệm “poisson d’avril” (April fools – sự ngớ ngẩn tháng tư, trong nghĩa văn học tiếng Pháp là Cá tháng Tư) lần đầu được nhắc đến bởi nhà thơ người Pháp Eloy d’Amerval (1455-1508).
Câu chuyện được cho xuất phát từ nước Pháp và được thừa nhận rộng rãi nhất trên thế giới như sau:
Năm 1564, vua Charles IX quyết định cải cách niên lịch, đưa ngày tết truyền thống của nước Pháp từ cuối tháng 3 trở về ngày 1/1. Trước đó, người dân Pháp thường đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4, thời điểm bắt đầu mùa xuân vì 21/3 là ngày Xuân phân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận hệ thống lịch mới của vua Charles. Thời điểm đó cũng chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận những người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ.
Điều này khiến những người cấp tiến không hài lòng và khái niệm “ngớ ngẩn” được đặt ra dành cho những kẻ vẫn ăn tết ngày 1/4. Ngày này cũng trở thành ngày tượng trưng cho sự sai lệch thông tin.
Trong khi đó, khái niệm “poission d’avril” lại có nguồn gốc khác, lần đầu tiên được đề cập đến bởi nhà thơ d’Amerval. Và đây được xem là nguyên bản dành cho khái niệm “Cá tháng Tư”.
Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi tháng tư cũng được xem là tháng của cung song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.
Thêm nữa, tháng tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.
Sau này, trẻ em châu Âu thường chọc ghẹo người khác trong ngày Cá tháng Tư bằng cách viết vài dòng chữ nhạo báng lên một con cá bằng giấy rồi tìm cách dán nó lên lưng đối tượng. Trò đùa này dần dà được phát triển “ngày nói dối”.

Ý nghĩa Ngày cá tháng tư
Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày con người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau. Bạn có thể thỏa thích đi lừa những trò đùa không gây hại cho mọi người.
Bên cạnh ý nghĩa mua vui và mang lại tiếng cười sảng khoái, ở mỗi một quốc gia, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Người dân ở mỗi quốc gia tiếp nhận truyền thống này theo những cách riêng để trêu gia đình và bạn bè.
Ngày nay, ở Anh người ta gọi những người bị lừa trong dịp 1/4 là “April Fool” cũng có nghĩa là fool – kẻ ngốc. Một nghiên cứu vào những năm 1950 của nhà nghiên cứu văn học dân gian Iona và Peter Opie, phát hiện ra rằng ở Anh, và ở các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh, bao gồm Úc, các trò đùa chấm dứt vào buổi trưa. Một người mà đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự là “kẻ ngốc”.
Người Pháp thì gọi những người bị lừa là Poissons D’Avirl có nghĩa là “những con cá tháng Tư”. Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam chúng ta gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.
Còn tại Scotland, ngày 1/4 được gọi trùng với tên một loài chim cúc cu – April “Gowks” . Tên gọi ngày cá tháng tư dựa theo trò đùa cố gắng lén dán một con cá bằng giấy vào lưng của “nạn nhân” mà không bị phát hiện.
Người La Mã cổ đại đã từng có một ngày lễ mang tên Hilaria để tôn vinh thần của sự phục sinh Attis. Cái tên Hilaria nghe rất giống từ hilarity (vui nhộn) của tiếng Anh. Lễ Hilaria hiện nay vẫn được lưu giữ phần nào dưới tên “Ngày Cười của La Mã”.
Ở Ba Tư cũng có một ngày nghỉ với chủ đề tương tự, được biết đến với tên gọi Sizdahbedar. Vào ngày này, thường trùng với ngày 1 tháng 4, người Iran cũng trêu chọc nhau bằng các trò chơi khăm vui nhộn.
Tại một số quốc gia châu Âu ngày “Cá tháng Tư” hay còn gọi là “ngày nói dối” diễn ra vào 1/4 hằng năm, thực sự là một ngày hội văn hóa vui nhộn, trẻ trung năng động. Trong ngày hội này người ta được thả sức “nói dối”, “đánh lừa” người khác với mục đích mua vui, tạo tiếng cười sảng khoái. Tất nhiên trong cuộc vui này, những lời “nói dối”, những trò “đánh lừa” vô hại chỉ nhằm tạo sự bất ngờ, tạo ra tiếng cười có tính giải trí thư giãn đối với các thành viên trong cộng đồng.

Ngày Cá tháng tư ở Việt Nam có gì thú vị?
Với tinh thần “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc”, tiếng cười không chỉ xua đi những buồn phiền, bớt đi nỗi mệt nhọc sau mỗi ngày lao động vất vả mà còn có tác dụng gắn kết cộng đồng. Những trò đùa tinh ranh, những câu nói “dối” vô hại hóm hỉnh không chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái, vui nhộn mà còn tạo ra trạng thái tâm lý hưng phấn trong đời sống tinh thần.
Nền văn hóa dân gian Việt từng xuất hiện một địa danh “tiếu lâm” nổi tiếng: “Văn Lang cả làng nói phét”. Ở trong ngôi làng Văn Lang thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ luôn đầy ắp những câu chuyện cười được gọi là “nói phét”. Chính sự cường điệu sự thật đến mức vô lý, trên cả “nói dối” khiến người nghe bị cuốn hút, bị đánh lừa để rồi vỡ òa những tiếng cười sảng khoái, bởi sự hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước trong những câu chuyện “nói phét” của người Văn Lang.
Hiện tại ngày “Cá tháng Tư” tại Việt Nam mới chỉ là một sự kiện văn hóa du nhập mang tính tự phát trong xu thế giao thoa văn hóa toàn cầu. Rồi đây thời gian và sức sống nội sinh mãnh liệt của người Việt có thể sẽ cho ra một sự kiện văn hóa mới – ngày hội “Cá tháng Tư” vừa đại chúng vừa dân tộc.
Tuy nhiên để làm tốt điều này ngành Văn hóa phải thực sự vào cuộc, với vai trò định hướng, tổ chức. Bên cạnh đó những người làm công tác văn hóa cần tôn trọng tính quy luật, không chủ quan áp đặt, duy ý chí trong quá trình sàng lọc, sáng tạo. Hy vọng trong tương lai gần, ngày “Cá tháng Tư” sẽ được nhiều tầng lớp công chúng Việt đón nhận và phổ biến rộng khắp để trở thành một ngày hội văn hóa thực sự.

Đời Sống News (t/h).