Hải Phòng được mệnh danh là Thành phố Hoa Phượng Đỏ. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp đắm say lòng người, với lối kiến trúc độc đáo cùng Văn hoá ẩm thực quyến rũ du khách thập phương.

“Thanh xuân cùng nhau” chính là phương châm sống của chúng tôi. Và trải nghiệm du lịch cùng những người bạn thân thiết là điều tuyệt vời nhất.
Có mặt ở Hải Phòng lúc 12h30, chỉ sau 2 tiếng di chuyển, cảm nhận đầu tiên của ba chị em chính là thời tiết nắng nóng do miền Bắc đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ của mùa hè. Nhiệt độ ngoài trời phải lên đến 400c, nếu không phải đang ở Hải Phòng mà là ở Hà Nội, có lẽ cảm giác nóng bức, khó chịu còn gấp nhiều lần. Thế nhưng, điều làm chúng tôi thấy thực sự ngạc nhiên đó là thành phố này tràn ngập bóng cây xanh và gió từ cảng biển thổi vào nên dù giữa trưa nắng, chúng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu với không khí nơi này.
Xe trung chuyển đưa cả nhóm đến khách sạn The Opera Hotel lúc 12h30. Cảm nhận ban đầu về khách sạn của chúng tôi khá tốt, đây là một khách sạn nhỏ nằm trên đường Minh Khai xanh mát, được thiết kế và décor theo phong cách Indochina với gam màu chủ đạo đen, xanh và trắng. Làm thủ tục check-in xong thì chúng tôi gọi taxi đi đến quán ăn và tranh thủ ngắm cảnh, tận hưởng vẻ đẹp của Thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Review trên các trang mạng xã hội về ẩm thực nơi đây khá nhiều, chỉ một cú click chuột, bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm được rất nhiều thông tin về các món ăn, địa điểm, giá cả cụ thể. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ lại theo lịch trình từng ngày để độc giả dễ hình dung được chuyến đi và có thể có nhiều lựa chọn khác nhau khi đến Hải Phòng.
Theo đúng chỉ dẫn của các reviewer, 13h30 cả nhóm có mặt tại Quán Nga Nem cua bể ở địa chỉ 92 Trần Nhật Duật. Ấn tượng đầu tiên là quán rất nhỏ, chỉ có 1 tầng trệt và 1 gác xép, rất đông khách. Khách đến sau phải đi cầu thang rất nhỏ lên gác xép, đặc biệt đi lom khom vì không cẩn thận sẽ bị va đầu vào trần nhà.

Văn hóa tự phục vụ có lẽ là chủ đạo bởi không chỉ mình nhóm tôi mà rất nhiều nhóm khách khác, sau khi ngồi chờ đến 30 phút vẫn không có người hỏi đến, bàn ghế ngổn ngang đồ ăn thừa của người ăn trước chưa dọn, đành phải tự tìm đồ ăn. Cũng may là đã quá quen với công việc nội trợ ở nhà nên việc này không làm khó được ba chị em. Rất nhanh chóng, một người ở lại dọn dẹp bàn ăn, hai người còn lại chạy xuống tầng 1 mang bát, đũa, nước ngọt, bún, chả, nem, rau lên chỗ ngồi trên gác xép.
Có một điều rất thú vị làm chúng tôi nhớ mãi, đó là hình ảnh một bà cụ già, có lẽ vì lo cho khách nên cứ mỗi lần có ai đó đi lên hoặc đi xuống là bà lại nhẹ nhàng dặn dò: “Đi cẩn thận không ngã, cháu nhé!”.
Đúng 14h30 bàn của chúng tôi đã có đủ đồ ăn gồm: 3 suất bún chả, 3 nem cua bể và nước ngọt, tổng thiệt hại 310.000 đồng. Các món ăn ở đây nhìn chung tạm ổn. Nem cua bể được rán ngay tại chỗ nên nóng hổi, nhân có cả thịt, cua, giá đỗ, vỏ giòn. Món bún chả tẩm ướp ổn, hơi nhiều mỡ. Một suất chỉ nho nhỏ thôi. Nhìn chung món này không để lại nhiều ấn tượng lắm. Có lẽ, đến đây muốn ăn có người phục vụ thì nên ăn sáng vào 10h sáng, ăn trưa vào 15h chiều vì khi đó quán mới vắng. Chấm điểm 6/10
Ăn trưa xong xuôi cũng đã là 15h30, cả nhóm gọi taxi về khách sạn để nghỉ ngơi. Trên đường về khách sạn, chúng tôi có ghé mua dừa dầm cô Hạnh 102 Lam Sơn. Dừa dầm ở đây có độ ngọt thanh vừa phải, rất khác với các quán dừa dầm ở Hà Nội. Dừa non mềm và trân châu dẻo dai ăn cùng với một chút đá rất tuyệt vào những ngày hè trời nắng nóng. Giá mỗi cốc là 20.000 đồng. Chấm điểm 8/10.
Đúng tinh thần đi để trải nghiệm, nghỉ ngơi 1 tiếng, 16h30 chúng tôi đi bộ ra nhà hát lớn. Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng được xây dựng vào năm 1904 và hoàn thành vào năm 1912 trên nền một khu chợ cũ của làng cổ An Biên. Công trình này được làm theo nguyên mẫu nhà hát Paris có kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp với những hoa văn trang trí, phù điêu độc đáo và hài hòa.
Buổi tối tại đây là nơi tụ họp của rất nhiều các bạn trẻ giao lưu, gặp gỡ, đặc biệt là địa điểm các nhóm nhảy tại Hải Phòng cùng sinh hoạt vô cùng sôi nổi và nhộn nhịp. Tương tự như phố đi bộ tại Hà Nội, tản bộ và chụp ảnh sống ảo tại khu quảng trường ngay trước quảng trường nhà hát lớn đã trở thành hình ảnh quen thuộc với bất cứ ai đến Hải Phòng. Nơi đây không chỉ mang chỉ là công trình mang đậm dấu ấn lịch sử mà đó còn là một trong những điểm check-in đẹp tại Hải Phòng cần phải ghé thăm đầu tiên đấy nhé!

Tiếp đó, chúng tôi đi bộ ra Bưu điện trung tâm thành phố Hải Phòng nằm giữa phố Hoàng Văn Thụ và phố Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng. Tòa nhà Bưu điện có bố cục đối xứng, hoành tráng và là điểm nhấn cho không gian quy hoạch đô thị của thành phố Cảng. Dù đã nhiều lần được tu sửa nhưng tòa nhà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính như khi mới được xây dựng. Chính điều này đã thu hút nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, đến tham quan, chụp ảnh…
Sau một buổi chiều với đam mê sống ảo, đến 19h cả ba đều đã đói mềm, theo đúng lịch trình đã được lên sẵn, chúng tôi gọi taxi ghé thăm quán ốc Thùy Dương ở số 30/263 đường Lạch Tray. Không hổ danh là ốc Hải Phòng, đến đây cả ba chị em đều choáng ngợp trước thế giới ốc được bày ra trước mắt.
Do còn kế hoạch ăn đêm nên chúng tôi chỉ gọi ngao hai cồi hấp dứa, ốc bông sốt trứng muối, hàu nướng mỡ hành và một món ốc xào cay nữa với giá 410.000 đồng, quán tặng thêm mỗi bàn 1 bình trà đá. Và không khác quán bún chả nem cua bể là bao, lượng khác đến quán ốc đông nghìn nghịt. Sau 30 phút chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng được ăn. Chấm điểm 7/10 trừ 1 do món ốc sốt trứng muối khá sạn.
21h30, tiếp tục hành trình ăn chơi quần quật, chúng tôi lại tiếp tục đi taxi đến quán The Crown Bar & Coffee ở BH03-03 Vincom Imperia, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. 22h chúng tôi có mặt ở quán. Đây có lẽ là một pub nhỏ thì hợp lý hơn bởi không gian quán nhỏ, thiết kế không có gì nổi bật. Chúng tôi gọi 1 cocktail vị chanh leo, 1 cocktail vị dứa và 1 nước ép dứa ổi, giá 240.000 đồng. Chấm điểm đồ uống 7/10.
Lượng khách có mặt ở quán không đông, không có chương trình gì đặc sắc, chúng tôi chỉ ngồi quan sát khách xung quanh, thưởng thức cocktail, nghe nhạc đến 23h30 thì đi taxi ra đường Lê Chân ăn đêm. Chúng tôi gọi 1 bát bánh đa gà chả, 1 bát miến xào tôm, 1 bát miến gà hết 105.000 đồng, thực sự là thua xa các món này ở Hà Nội. Chấm điểm 5/10.

Sau một đêm mải mê với ăn uống, dự định dậy sớm từ 5h30 đi ngắm bình minh ở cầu Hoàng Văn Thụ của ba chị em đã phá sản. Đúng 7h tôi mới lôi được cô em út của nhóm dậy để đi ăn. Lần này chúng tôi rút kinh nghiệm, không đi theo review nữa mà tự mình khám phá.
Lang thang trên đường Minh Khai, chúng tôi bắt gặp một quán bán đồ ăn sáng, rất đông người dân bản địa đến ăn. Chúng tôi gọi 3 bát bánh đa cua, 3 cốc trà đá hết 105.000 đồng. Bát ở đây không to lắm, nhiều bánh đa, nhân cũng tương đối. Nước dùng với khẩu vị của mình thì đậm đà vừa vị, nhưng có lẽ với một số người sẽ thấy hơi mặn. Chấm điểm 7/10.
Ba chị em đi bộ ra Ga Hải Phòng chụp ảnh. Đây là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng, tiêu biểu nhất Hải Phòng. Ga Hải Phòng là nhà ga đẹp nhất mà người Pháp xây dựng tại Việt Nam. Ga Hải Phòng thuộc địa phận Đông Hải 1, quận Hải An.
Ga nằm trên đường Lương Khánh Thiện là địa điểm đón tiếp và tiễn chân hàng triệu du khách cũng như người dân tại thành phố hoa phượng đỏ. Đây là có lẽ là điểm không thể bỏ qua khi đến với thành phố Hải Phòng. Một điểm đáng lưu ý là xung quanh đây có khá nhiều hàng quán, ba chị em gọi 3 quả dừa, dừa ở đây to, nhiều nước, khá ngọt. Giá 40.000 đồng/quả.
10h chúng tôi đi taxi ra hồ Tam Bạc. Một trong những địa điểm check-in đẹp tại Hải Phòng đang rất được lòng du khách là hồ Tam Bạc. Đây là điểm nhấn của dải trung tâm thành phố Hải Phòng. Toàn bộ hành lang vỉa hè quanh hồ được lát đá granit với màu sắc sinh động, được tạo hình khối đẹp mắt thêm vào đó là hệ thống ghế đá dưới những hàng cây rợp bóng mát.

11h là thời gian chúng tôi ra quán bánh mì que Bà Già ở số 57A Lê Lợi để mua bánh mỳ về làm quà cho gia đình. Tôi có nghe nhiều người review rằng đây là bánh mì cay ngon nhất Hải Phòng nên bạn nhớ thưởng thức khi đến đây. Giá bán 3.500 đồng/1 chiếc. Pate của bánh mỳ ở đây ngon, tương ớt cũng có vị đặc trưng. Chấm điểm 7/10.
12h30, chúng tôi đi bộ ra quán cơm gà Singapore tại địa chỉ số 22F, Minh Khai. Chúng tôi gọi món cơm đảo gà sốt tiêu đen giá 80.000 đồng và combo 1 gà chiên, khoai tây chiên, cánh gà chiên mắm, nộm gà hoa chuối giá 220.000 đồng. Chấm điểm 8/10.
Ăn uống no nê, nhóm mình trả phòng lúc 14h. 15h lên xe Limousine Hoàng Long, giá 260.000 đồng/1 lượt/1 người, về đến Hà Nội là 17h. Chúng mình đã trở về với thủ đô, kết thúc chuyến đi với mục đích “ăn hết thành phố cảng” 2 ngày 1 đêm.
Hai ngày với rất nhiều trải nghiệm đã đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và kinh nghiệm khi đi foodtour. Điều quan trọng nhất là bạn hãy cố gắng tìm ít nhất một người bạn để đến được với những quán ăn ngon, bổ, rẻ mà người dân bản địa thường lui đến. Sau khi tổng kết lại, chi phí du lịch Hải Phòng chỉ có 1,8 triệu/người cho tất cả các khoản đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi.
Tuy đến với Hải Phòng vào thời điểm đã vắng bóng hoa phượng đỏ nhưng có lẽ điều đọng lại nhất trong tôi đó là hình ảnh một thành thành phố với người dân thân thiện, chất giọng đáng nhớ, những con phố rợp bóng hàng cây xanh mát và sạch sẽ đến bất ngờ.
Đến nơi đây, chúng tôi như được sống lại những năm cuối thế kỷ 19 khi thăm thú những công trình mang dấu ấn quy hoạch, lối kiến trúc rõ nét của người Pháp bởi Hải Phòng từng là thành phố quan trọng bậc nhất của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, là đầu mối giao thông với cảng biển lớn. Dẫu thời gian trôi qua, ít nhiều có những phôi phai nhưng Hải Phòng vẫn giữ được những nét xưa cũ, bình yên trong lòng người dân và du khách ghé thăm.

TS Vũ Thị Minh Huyền, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam.
ĐỜI SỐNG NEWS Hotline: 0968 804 459 Email: bbtdoisongnews@gmail.com |
- Tháng 5 về, chào đón Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng
- Những “Cánh chim không mỏi” dưới chân núi Langbiang
- Trịnh Thăng Bình lên Dalat L’amour tâm sự cùng Người ấy
- Khát vọng về một Làn Hương Văn Hương vang xa giữa xứ sở Trà B’lao
- Vì sao Doanh nghiệp cần đẩy mạnh Truyền thông khi hoạt động trở lại?