Du lịch thông minh là biết chọn thời điểm và điểm đến phù hợp để khám phá và trải nghiệm, chứ không phải chạy theo xu hướng đám đông.

Đã hết hai ngày nghỉ lễ, đâu đâu cũng thấy phản ánh tình trạng chung năm nay là các điểm du lịch xa Hà Nội như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đang trong tình trạng “thất thủ” bởi lượng người đổ dồn đến để vui chơi và nghỉ ngơi trong 3 ngày nghỉ lễ thì tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng ấy cũng xuất hiện ở khắp nơi.
Nghỉ 3 ngày lễ cộng với việc mở cửa hầu hết các tụ điểm ăn – chơi khiến người Hà Nội thả lỏng hơn. Mặc dù nhiều gia đình đã đi du lịch, nhưng các điểm ăn chơi, các trung tâm thương mại, công viên, resort… ở Hà Nội vẫn đông đúc và quá tải.
Có mặt ở Trung tâm thương mại Aoen Hà Đông chiều chủ nhật ngày 10/4/2022, chị Lê Ngọc Hà (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Lượng người rất đông. Cả mấy tầng của Aone vốn đã rộng lớn này rất đông đúc. Nhất là các khu ăn uống ở tầng 1 thì chật cứng, khách hàng phải xếp hàng dài để vào quán. Mẹ con chị định ăn lẩu Tokboki nhưng đông quá hết bàn.”
Chọn lựa cả tiếng đồng hồ chị Hà mới tìm được một nhà hàng có bàn trống ăn mỳ ý, cơm gà sốt tiêu đen. Tuy nhiên, theo chị, giá thành vào cuối tuần và ngày lễ chỉ chạy mức giá cao, thế nhưng việc phục vụ lại rất kém. Nếu ngày thường nhân viên liên tục chạy ra hỏi khách cần gì thì những ngày này việc gọi thêm món đã rất khó, nói gì đến chuyện chăm sóc kỹ càng của nhân viên.
Và có lẽ chuyện cho con đi chơi mấy ngày nghỉ lễ không còn là lựa chọn hàng đầu cho gia đình chị. Theo chị, tốt nhất ngày nghỉ lễ nên có phương án hợp lý, tránh đến những nhà hàng ăn uống ở khu trung tâm thương mại hoặc các điểm vui chơi.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Quận Hà Đông, Hà Nội, đã điều chỉnh lại kế hoạch đi chơi 30/4 và 1/5 khi giá vé máy bay cao gấp 2-3 lần bình thường. “Tôi sẽ tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần, dùng thêm một ngày phép để đi sau ngày lễ, tiết kiệm chi phí. Đi vào giữa tháng 5, chỉ cần mua combo Vinpearl Hội An 3 ngày 2 đêm với giá hơn 4 triệu đồng trong đó bao gồm: 02 đêm lưu trú phòng/villa, vé máy bay khứ hồi, buffet sáng hoặc 03 bữa ăn mỗi ngày, vui chơi VinWonders, đón tiễn sân bay miễn phí cho khách lưu trú tại Nam Hội An. Nếu đi ngay dịp 30/4, chỉ tính riêng tiền vé từ Hà Nội khứ hồi đã tốn hơn 5 triệu đồng, giá tiền bằng cả chuyến đi”, chị Thùy Linh nói.
Tháng 4 năm nay có hai kỳ nghỉ lễ lớn kéo dài (giỗ Tổ và 30/4), trong khi bạn bè tất bật đặt vé máy bay, hỏi nhau đi đâu chơi gì thì tôi khá bình thản. Chục năm nay cứ tới ngày giỗ Tổ và 30/4 tôi đều ở nhà. Tôi vẫn ở nhà như mọi năm, thư giãn, đọc sách, viết văn, nấu món ăn ngon cho cả nhà cùng ăn, đi cà phê, xem phim, chơi với con, đưa con đi hiệu sách.
Kỳ nghỉ của tôi đôi khi trôi qua như một ngày bình thường, chỉ khác là ít công việc hơn và có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Với tôi kỳ nghỉ là thời gian dành cho bản thân, là dịp để mình nghỉ ngơi chứ không nên rước bực bội và mệt mỏi vào người. Bản thân tôi cũng không thích nơi quá đông đúc. Du lịch là để tận hưởng không khí, hành trình khác với thường ngày.
Nếu muốn đi chơi thì xin nghỉ phép làm hoặc đi cuối tuần, nhất định không đi ngày lễ. Tôi vốn là người thích chụp ảnh, nhưng nhiều lần đi du lịch dịp lễ làm tôi thấy thất vọng vì chụp toàn người với người, không thấy cảnh đẹp ở đâu. Ngoài ra, hàng quán dịp lễ phục vụ đông người sẽ không chu đáo như ngày thường, giá cả cũng cao.
Tôi cho rằng để tránh cảnh giá cả leo thang, chen chúc đông đúc, nên đi du lịch trước hoặc sau dịp lễ để giá cả ổn định, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chuyến đi có trải nghiệm như mong muốn. Đó chính là những người du lịch thông minh.

TS Vũ Thị Minh Huyền, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam.