Nỗi niềm khắc khoải của Người cầm bút như được dồn nén, gửi gắm qua Bài thơ “Đánh rơi cung đàn tơ vương”, giữa bao bộn bề cuộc sống mưu sinh.

1. BÀI THƠ: ĐÁNH RƠI CUNG ĐÀN TƠ VƯƠNG
Lỡ đánh rơi một nhịp
Trên cung đàn tơ vương
Phím gieo sầu
Người về…
Xao xác nhớ!
Sợi duyên se chỉ lòng nghe suối hát.
Bâng khuâng, bâng khuâng…
Giữa hai bờ hư thực
Giấc mộng chưa tròn,
Vầng hào quang…
Chiếu sáng!
Chợt bừng tỉnh,
Xé toạc màn đêm!
Buông lơi…
Trang viết bỏ lửng,
Guồng quay…
Dẫu chưa bao giờ thôi khao khát…! (*).

2. NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI
Ai trong chúng ta cũng nuôi trong mình niềm đam mê cháy bỏng và lòng yêu nghề da diết. Với nghề viết cũng thế! Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần được mang nặng đẻ đau, gửi gắm bao tình cảm, tâm huyết. Thế nhưng chính gánh nặng mưu sinh, guồng quay cuộc sống và thời cuộc khiến cho ngòi bút trở nên chai sạm, trơ lì cảm xúc.
Không biết bao nhiêu lần tôi tự hỏi: “Nghề phụ ta hay ta phụ nghề?”. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Tôi chỉ biết rằng, đời tôi sẽ vô vị nếu không có những trang viết để trải lòng. Bởi tôi sinh ra trong miền ký ức đầy ắp văn chương và tình yêu thương của Ba Mẹ. Nơi ấy có Ba tôi, một Nhà báo làng chân chính những năm thập niên 80 – 90. Những bài học vỡ lòng tự thuở ấu thơ về: Thơ văn, đài báo, nhuận bút… ăn sâu vào tiềm thức và ngấm vào máu tôi tự lúc nào không biết?
Thuở nhỏ, Ba hay chở tôi đến Thư viện, Toà soạn báo, Đài phát thanh… để nhận báo biếu, nhuận bút và đọc sách, báo. Cảm giác thân thuộc, gần gũi đến lạ! Mỗi khi tới tháng “nhận lương” là Ba tôi lại mua đủ món ngon, tập vở, truyện tranh, sách tập làm văn và bút màu cho tôi. Biết con gái có năng khiếu văn chương từ nhỏ, nên Ba thường cưng chiều và có ý hướng tôi theo nghiệp của Ba.
Nhiều năm liền là cán bộ lớp, học sinh giỏi Văn, tham gia sôi nổi phong trào Đố vui để học, Học sinh giỏi, Kể chuyện theo sách, Viết thư UPU, Làm báo tường, Diễn tiểu phẩm, Phát thanh măng non… Tôi còn nhớ như in, năm cuối cấp 2, trong thời khắc chia tay bạn bè, thầy cô, trường lớp, tôi đã xúc cảm làm bài thơ Tam cửu chồi xanh viết về cô giáo chủ nhiệm và 39 cái tên lớp chọn A1 với 39 tính cách khác nhau. Sau khi nghe tôi đọc xong, cô giáo và các bạn ôm nhau khóc oà, xin chép lại bài thơ ấy để làm kỷ niệm.
Lên cấp 3, tôi bắt đầu tập tành viết lách và được Ba ươm mầm, hướng dẫn để trở thành những mẩu tin, bài viết đăng tải trên Báo và Đài địa phương. Có lẽ do 12 năm liền làm cán bộ lớp, tham gia năng nổ mọi hoạt động phong trào nên đã phần nào hình thành tích cách chững chạc, nghiêm túc và giàu tinh thần trách nhiệm trong tôi? Điều ấy cũng giúp ích khá nhiều trong việc định hình ước mơ và theo đuổi công việc sau này.
Ngoài là nguồn tin đắc lực của Ba tôi về gương người tốt việc tốt, những sự việc mắt thấy tai nghe, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã…; tôi còn là cây viết trẻ nhất thời bấy giờ được các cô chú Ban biên tập ưu ái.
Bên cạnh viết báo, tôi còn có sở thích nghe Chương trình Quà tặng âm nhạc để viết bài chuyên mục Cảm nhận âm nhạc. Ấy thế mà tiền nhuận bút cũng đủ để tôi ăn quà, sửa xe, mua cuốn tập và khao các bạn ly chè, nước mía, bữa trái cây, cơm trưa đạm bạc… những hôm học ngày ở lại trường.

Vào Đại học, chuyên ngành Văn khoa, tôi như “cá gặp nước”, thoả sức đam mê, tham gia các CLB Văn nghệ, Sáng tác trẻ, CLB Thuyết trình… của Trường Đại học, Hội Văn học – Nghệ thuật. Nhiều tác phẩm Thơ, Văn, Báo chí chuyên mục Nhịp cầu nhân ái… bắt đầu xuất hiện nhiều trên Báo, Đài, Tạp chí Văn nghệ, Tập san…
Tốt nghiệp ra trường, tôi may mắn được nhận vào Báo tỉnh và gắn bó gần 2 năm. Nhưng sau đó, vì một số lý do khách quan, tôi chuyển sang viết cho một số tờ khác và cũng có một số dấu ấn nhất định. Mới đây, năm 2021, tác phẩm của tôi vinh dự đạt Giải Báo chí. Đó là niềm an ủi với những người cầm bút như tôi, trên suốt hành trình chục năm có lẽ.
Ai cũng bảo nghề Báo sao sướng thế? Được đi đây đi đó, được đón tiếp nồng hậu, gặp gỡ nhiều người, kiến thức uyên sâu, mở mang tầm mắt… Nhưng mấy ai thấu hiểu những “nỗi khổ khó nói” của người trong cuộc? Sống với đam mê là một sự lựa chọn, nhưng đôi khi đó là cả một sự đánh đổi!
Hoà cùng với xu hướng phát triển chung của nền Báo chí tự chủ về mặt tài chính, nhiều cơ quan Báo chí gặp vô vàn khó khăn, đòi hỏi Phóng viên không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải biết thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Đó là lý do vì sao tôi chuyển hướng sang Truyền thông (viết bài PR, Tự truyện, Nhật ký, Hồi ký, Kỷ yếu…); đồng hành cùng sự phát triển của Doanh nghiệp, Cộng đồng trong niềm Tự hào và Hạnh phúc. Bởi nhờ có Truyền thông mà Thương hiệu Doanh nghiệp bay cao và vươn xa, được nhiều người biết đến. Dẫu trong trái tim của tôi vẫn chưa bao giờ thôi khao khát…!

Đời Sống News
(*) Khao khát: Khao khát mà tác giả muốn nói ở đây là được sống trọn với đam mê, trui rèn ngòi bút sắc sảo, sáng lên từng ngày, mang lại những tác phẩm có giá trị, mà không phải vướng bận bất cứ điều gì. Và người làm Truyền thông – Báo chí đều đáng được trân trọng, tự hào như nhau!