Trước những ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất chấm dứt dùng khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” để thúc đẩy tư duy phản biện của GS. Trần Ngọc Thêm. Đời Sống News xin giới thiệu chia sẻ của Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo về “Chữ Lễ trong Võ đạo”.

Theo Đại Võ sư, xã hội cần có Lễ. Giáo dục cần có Lễ. Lễ là giềng mối, là cội nguồn của Võ đạo. Người học võ có Lễ sẽ có Nghĩa, có Nghĩa sẽ có Nhân, có Nhân sẽ có Dũng. “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”; “Nhân giả tất hữu dũng” (Luận Ngữ).
Lòng dũng cảm chân chính phát sinh ra từ nhân nghĩa. Đó là những tiêu chí hành xử của trượng phu, quân tử trong đời sống thường hằng. Lễ dạy cho con người khiêm tốn, biết cúi đầu như lúa chín.
Võ đạo trong dụng võ không phải là tôn giáo, không phải là giáo điều, tuyên truyền, dụ dỗ hay gò bó, ép buộc mà là tự tâm. Võ đạo đây là đạo lý, luân lý làm người. Nhân bất học bất tri lý, học chính là giáo dục đạo lý làm người, là tôn ti trật tự trong xã hội.
Dạy võ trước tiên là dạy lễ, dạy nhân cách sống, nhân cách hành xử vì trong võ có đạo, đạo ở đây là đạo đức thuợng võ, vì vậy người dụng võ trước tiên là phải giữ lễ và trọng võ đức.
Truyền dạy võ công trước đây là việc trang nghiêm, lấy lễ làm đầu, không có lễ sẽ là vô lễ, người vô lễ không thể nên người. Người học võ tìm thầy là tầm sư học đạo, đến võ đường phải làm lễ nhập môn, bái tổ, bái sư. Nghi thức ấy tuy cổ mà kính, đó là khởi nguồn của lễ.

Võ thuật bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Chính từ những quan niệm xưa ấy mà thầy trò giữ lễ với nhau, lấy nhân nghĩa làm tiêu chí hành xử. Thầy là tấm gương soi trong sáng cho hậu thế, lời nói đi đôi với việc làm, tri hành hợp nhất. Ngoài khả năng chuyên môn, tư cách đạo đức, người thầy còn làm sáng lên nhân cách xử thế, người học nhìn vào mà noi theo.
Thầy là tiếng gọi thiêng liêng, như gọi cha, gọi mẹ. Thầy là sư phụ, là sự mẫu mực từ tri thức đến đạo hạnh, dạy môn sinh bằng tâm đức, lấy lòng yêu thương, tâm huyết truyền thụ võ công, lấy lễ truyền lễ.
Người xưa cho rằng, thầy là thiên chức không phải là nghề, thầy dạy chữ là giáo sư, thầy dạy võ là võ sư. Thầy là người có công ơn dạy dỗ, trau giồi, truyền đạt kiến thức, hun đúc ý chí, làm tấm gương soi rọi về nhân phẩm, đạo đức cho học trò noi theo mà nên người. Có những vị thầy đã trở thành “Vạn thế sư biểu” bởi tri thức và đức độ, chan chứa tình yêu thương đối với học trò.
Bất luận môn phái võ thuật nào cũng đều có thao tác thi lễ lúc khởi đầu và khi kết thúc, ngay cả những trận đấu tranh tài trên võ đài hay trên thảm đấu, võ sĩ cũng phải thi lễ trước đối phương. Xem vậy đủ thấy rằng lễ là điều không thể thiếu trong giáo dục.
Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo được biết đến là Chưởng môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Sư trưởng Võ đường Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn kỹ thuật Liên đoàn Châu Á Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam… |
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 1)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 2)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 3)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài 4)
- Những câu chuyện ly kỳ về Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Bài cuối)