“Xa vắng tiếng dương cầm/ Dịu dàng một nỗi nhớ mong…”. Đó là những ca từ trong nhạc phẩm nổi tiếng “Lặng lẽ tiếng dương cầm” của Nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9. Đêm nhạc tưởng nhớ ông sẽ được diễn ra tại Dalat Opera House (Quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vào ngày 17/4/2021.

1. Đêm nhạc “Xa vắng tiếng dương cầm” sẽ diễn ra tại Đà Lạt
Đêm nhạc tưởng niệm Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “Xa vắng tiếng dương cầm”, do nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai nhạc sĩ làm tổng đạo diễn, sẽ được diễn ra vào 20h00’, ngày 17/4 tại Nhà hát Dalat Opera House (Quảng trường Lâm Viên, Phường 10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng).
Chương trình do Ha Ha Production và Đà Lạt Opera House phối hợp thực hiện. Đây cũng là show diễn đầu tiên của Đà Lạt Opera House từ sau sự kiện khánh thành nhà hát.
Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng, như: Elvis Phương, Quang Dũng, Hồ Lệ Thu, Hương Giang, Ngọc Châm, Ngọc Liên, Huy Luân, Triệu Long, Tuấn Anh và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên…

Hầu hết các ca khúc nổi tiếng của ông như: “Buồn ơi, chào mi!”, “Không!”, “Tình khúc chiều mưa”, “Cô đơn”, “Lặng lẽ tiếng dương cầm”…, sẽ được các ca sĩ trình bày trong chương trình bằng màu sắc mới qua các bản phối của nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Bằng những hiệu ứng từ các kỹ thuật sân khấu hiện đại, khán giả sẽ “gặp lại” nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua màn “hòa tấu” giữa ông và nhạc sĩ Nguyễn Quang cùng dàn nhạc. Sở dĩ nhạc sĩ Nguyễn Quang chọn Đà Lạt để tưởng nhớ cha mình, vì đây là nơi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã học tập, trưởng thành và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Tại đây, hơn 60 năm trước từng có cuộc gặp gỡ giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tác giả ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”), để rồi tài năng của một nghệ sĩ dương cầm đã được nuôi dưỡng từ khi còn là cậu bé 14 tuổi và sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng.
Một tháng trước khi qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã kịp trở lại Đà Lạt như chuyến về thăm những kỷ niệm xưa và chìm đắm trong tiếng dương cầm với những tác phẩm của mình cũng như các nhạc sĩ cùng thời. Trung tâm Văn hóa Tỉnh Lâm Đồng cũng là nơi đang lưu giữ chiếc dương cầm đầu tiên người nhạc sĩ tài hoa bắt đầu học nhạc tại trường nội trú Yersin (Đà Lạt).
2. Bâng khuâng nhớ về người Nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9
* Mối tơ duyên giữa Đà Lạt và Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh (SN: 01/01/1940 – 14/4/2016), tại tỉnh Ninh Thuận; là một nhạc sĩ, nhạc công dương cầm người Việt Nam.
Sau đó, Nguyễn Đình Ánh theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt, ở nội trú trường Yersin cho đến năm 1958. Năm 18 tuổi, ông rời nhà để theo đuổi con đường âm nhạc. Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, Đình Ánh có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
* Trọn đời tâm huyết với Âm nhạc
Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly.
Khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?”, ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó.
Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”. Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương. “Không” trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương.
Bên cạnh đó, một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9, như: “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”,… được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông đã từng đệm dương cầm cho những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thái Thanh. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói ông mê nhất được đệm đàn cho hai danh ca này. Cũng thời gian đó, ông viết thêm một vài nhạc phẩm nổi tiếng khác như: “Mùa thu cánh nâu”, “Đêm tình yêu”.

Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, thời gian đầu ông có đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm.
Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như: Lệnh truy nã, Mảnh tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn, Những đứa con thành phố.
Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như: “Tình yêu đến trong giã từ”, “Mênh mông tình buồn”, “Cho người tình xa” và “Cô đơn”.
Cho đến những năm cuối đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn biểu diễn, tham gia một số đêm nhạc của ca sĩ Ánh Tuyết. Ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon.
Có thể thấy trong suốt cuộc đời sự nghiệp sáng tác, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã dành trọn tâm huyết cống hiến vào sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Hầu hết những ca khúc của ông đều có giai điệu da diết, thiết tha trữ tình khiến bao trái tim khán thính giả yêu nhạc phải thổn thức bâng khuâng…
3. Dalat Opera House có gì độc đáo?
Dalat Opera House tọa lạc ngay Quảng trường Lâm Viên, bên hồ Xuân Hương thơ mộng, vừa khánh thành cuối năm 2020. Công trình này do Công ty giải trí Cinestar làm chủ đầu tư với vốn đầu tư phần bên trong (nội thất, âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi…) khoảng 70 tỉ đồng.
Kiến trúc của Dalat Opera House được thiết kế hiện đại, độc đáo, nằm gọn bên trong công trình biểu tượng hoa dã quỳ với tổng diện tích 2.080 m2, chia làm 3 tầng hướng về sân khấu trung tâm.

Khu vực sân khấu cao 15 m, dài 17 m và rộng 8 m; bên trong là không gian hậu đài rộng lớn với nhiều phòng chức năng khác nhau. Toàn bộ nhà hát được ốp trang âm gỗ acoustic, với hệ thống trình diễn âm thanh, ánh sáng hiện đại, đạt tiêu chuẩn trình diễn các chương trình ca vũ, nhạc kịch, nhạc cổ điển quốc tế. Nhà hát có sức chứa 825 ghế, trong đó có hàng ghế salon sang trọng dành cho khách mời đặc biệt.
Trong không gian lộng lẫy, sang trọng, lãng mạn nhưng không kém phần ấm cúng, khán giả sẽ được thưởng thức và thăng hoa cảm xúc cùng Đêm nhạc “Xa vắng tiếng dương cầm”, bâng khuâng nhớ Nguyễn Ánh 9…
Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Đặt vé online: https://cinestar.com.vn.
Hoặc mua vé trực tiếp tại phòng vé Nhà hát DALAT OPERA HOUSE.
Hotline : 0938788199 – 088631108
Đời Sống News (t/h).