Ca từ lắng đọng, dạt dào yêu thương “Mẹ ơi! Tết vạn dặm xa” do Bùi Anh Tuấn thể hiện khiến trái tim người nghe không khỏi xốn xang.

Sáng chủ nhật tự thưởng cho mình bằng cách cuộn mình trong chăn ấm lướt mạng, nghe nhạc. Vô tình nghe ca khúc mới: “Mẹ ơi! Tết vạn dặm xa” do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác với ca từ thể hiện sự thổn thức trước nỗi đau mất mát người thân của một số gia đình không may có người mất do COVID-19. Qua giọng ca của Bùi Anh Tuấn thể hiện khiến trái tim tôi da diết, thổn thức và bỗng xót xa thương những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch.
Năm 2021 là một năm đầy biến động vì ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19. Ngày Tết ai cũng mong được trở về bên gia đình quây quần trong mâm cơm ngày Tết, nhưng cũng có những người không thể sum họp với gia đình, thậm chí là vĩnh viễn không còn có cơ hội gặp lại gia đình mình.
Ca khúc tái hiện câu chuyện xúc động của những người con mất mẹ trong mùa dịch và không có được giây phút cuối bên mẹ, sau đó chỉ nhận được hũ tro cốt gửi về. Những hình ảnh: Băng ca, máy thở và hũ tro của người con khi nhận lại từ nhân viên y tế thật đau lòng, nhưng quen thuộc đến ám ảnh trong nhiều câu chuyện có thật của một số hoàn cảnh không may đã xảy ra trong năm qua.
Ngỡ Tết về là đoàn viên, nhưng lại là chia ly vì sự tàn khốc của đại dịch đã cướp mất đi người thân trong gia đình. Ca khúc như một lời cảm thông, chia sẻ những mất mát trong năm qua do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tôi nghe mà rưng rưng nước mắt, cảm thấy ca từ hay nhất là đoạn cuối: “Ngày xưa mẹ đánh bằng roi đã ngỡ đau nhất trên đời, đến giờ người đời đánh con không cần đòn roi. Tết nào là Tết của con khi mãi xa Mẹ”.

Ca khúc lắng đọng quá nhiều cảm xúc, thực sự chạm đến trái tim của người nghe nhạc. Bởi khi nghe, những giọt nước mắt đã rơi như một sự đồng cảm với những ai đã mất người thân vì biến cố mang tên COVID-19.
Đợt dịch lần thứ 4 năm 2021 thực sự là trận đánh. Chứng kiến sự tàn khốc của biến chủng mới, sự quá tải của hệ thống y tế khi số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh khủng khiếp và bệnh nhân từ nhẹ chuyển nặng và tử vong chỉ trong thời gian ngắn, những mất mát có lẽ đã đủ đau thương cho cả đời người.
Đại dịch đã làm hàng nghìn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Không chỉ mất người thân, nhiều trẻ còn mất cả ngôi nhà thân thuộc, chuyển đến sống cùng họ hàng ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Đó là những mất mát khó thể diễn tả bằng lời đối với độ tuổi các em và còn nhiều khó khăn chồng chất mà các em phải vượt qua. Hệ lụy này vô cùng khủng khiếp và các em phải thấm nỗi đau suốt cuộc đời.
Hãy thử hình dung lại cách đó mấy tháng thôi, cuộc sống của những đứa trẻ ấy hạnh phúc đến nhường nào. Sau giờ học, giờ chơi, chúng quây quần bên cha mẹ, bên người thân, bên mâm cơm đủ đầy mọi thành viên trong gia đình. Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Khi trẻ được sống trong gia đình đầy đủ cha mẹ và tình yêu thương, các cháu sẽ hoàn thiện nhân cách một cách đầy đủ nhất, có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở mọi hoàn cảnh.
Dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi những người cha, người mẹ của hàng nghìn đứa trẻ. Có bao nhiêu đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch là bấy nhiêu nỗi đau đớn nhất và không gì bù đắp nổi. Những người thân yêu nhất, là cha, là mẹ đã chẳng còn trên cõi đời, để lại những khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng con trẻ.

Tôi tự hỏi: Những đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch sẽ sống tiếp như thế nào đây? Ai sẽ lo bữa cơm, giấc ngủ… cho các em? Ai sẽ bảo ban, răn dạy, vỗ về các em sau những vấp ngã, chông chênh của cuộc đời?
Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ là quá lớn, không thể bù đắp được. Đặc biệt là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ em mất cha, mẹ sẽ có nguy cơ sang chấn tâm lý nghiêm trọng.
Nếu không được hỗ trợ thích hợp, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khoẻ tinh thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống sau này. Thực tế hiện nay, việc chăm sóc trẻ bị mất người thân do dịch COVID-19 là thách thức không hề dễ dàng. Mỗi một đứa trẻ mồ côi là mỗi một câu chuyện đau buồn, một tình cảnh bi thương, một mức độ tổn thương khác nhau.
Mọi người đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng hàng chục nghìn người khác đã mất người thân không thể nào quay lại nữa. Mọi thứ không bao giờ có thể như trước được nữa.
Câu chuyện trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 không phải là vấn đề trước mắt bởi có những em mới chào đời, còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ nên các cơ quan chức năng phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn.
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp khác nhau.

Rồi đây, bằng những chính sách, bằng sự quan tâm của các cấp các ngành, các tổ chức, chắc chắn những đứa trẻ mồ côi vì dịch bệnh sẽ có chốn nương tựa, sẽ được quan tâm, chăm sóc đủ đầy. Dẫu không thể bù đắp hết sự thiếu hụt khi mất cha, vắng mẹ nhưng lối rẽ vào đời của các em hẳn sẽ vơi bớt nhọc nhằn, vất vả, khó khăn.
Sáng chủ nhật nghe ca khúc: “Mẹ ơi! Tết vạn dặm xa” giúp tôi suy ngẫm thêm nhiều điều trong cuộc sống. Ca khúc chính là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn trân quý những điều xung quanh mình, đặc biệt là tình cảm gia đình, trân quý những người thân còn ở lại, trân quý và giữ gìn cuộc sống bình thường hiện tại.
“Mẹ ơi! Tết vạn dặm xa” cũng giúp chúng ta nhận ra rằng sống cho thực tại thật tốt đã là điều đáng trân quý. Những người đã nằm xuống, không ai lãng quên họ. Đi qua đau thương để thêm mạnh mẽ, để biết rằng sự sống là điều đáng quý phải giữ gìn bằng mọi giá. Và chỉ có sự chia sẻ, yêu thương mới là liều thuốc làm lành nỗi đau quá lớn này.
Đặc biệt, chúng ta không được phép quên trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chăm lo cho những mảnh đời côi cút sau đại dịch, như một trong những việc cần để làm lành dần những vết thương…
Mất cha, mất mẹ là biến cố cuộc đời. Hy vọng, từ nỗi đau buồn lớn ấy, các em sẽ “biến đau thương thành sức mạnh” để vươn lên. Hy vọng, thử thách lớn đầu đời ấy không thể khiến các em gục ngã mà sẽ làm các em trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, từng ngày vượt qua nỗi đau để tiếp tục nhịp sống mới, hướng về cuộc sống phía trước với hy vọng bình an. Bởi đơn giản an nhiên và lựa chọn đi tiếp, sẽ là cách xoa dịu mọi mảnh đời đang dang dở.

Đời Sống News (TS Vũ Thị Minh Huyền – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).