Giao thừa là dịp để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Vậy cách cúng Giao thừa như thế nào cho đúng, để đón Tài lộc? Mời các bạn cùng Đời Sống News tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
1. Cúng Giao thừa có ý nghĩa gì?
Vào đêm 30 Tết, người Việt thường có truyền thống sửa soạn mâm cơm cúng Giao thừa để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, với cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc, vạn sự hanh thông.
Theo tín ngưỡng của dân gian ta, mọi sự tốt xấu xảy ra vào thời khắc chuyển giao này đều ảnh hưởng đến tất cả mọi thành viên trong gia đình. Do đó, vào đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình đều quây quần bên nhau để chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa sao cho tươm tất, vui vẻ.

Ai ai cũng tự nhắc nhở nhau nên giữ nụ cười, không khí hoà thuận, đoàn kết yêu thương lẫn nhau để đón chào một năm mới bình an và may mắn.
Đồng thời, con cháu không quên thắp hương mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng gia đình sao cho ấm cúng. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp, nhớ về cội nguồn của dân tộc ta tự bao đời nay.
Ngoài ra, kể từ giờ khắc giao thừa cho đến 3 ngày Tết trở đi, các thành viên phải kiêng kỵ một số điều, như: Không cãi cọ, không chải tóc trong nhà, không quét rác trong nhà, không ăn mắm tôm, thịt chó, vịt lộn…
2. Mâm cơm cúng giao thừa 3 miền ở trong nhà khác nhau như thế nào?
* Mâm cơm cúng giao thừa miền Bắc
Mâm cơm cúng giao thừa ở miền Bắc thường là những món ăn truyền thống, bao gồm: 4 bát, 4 đĩa (tượng trưng cho Tứ quý, 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông).
Nếu cỗ lớn hay gia đình có điều kiện thì bao gồm 6 bát, 6 đĩa (tượng trưng cho Tài lộc). Hoặc 8 bát, 8 đĩa (tượng trưng Phát tài, phát đạt).
Thông thường, các món ăn miền Bắc, gồm có: Bát móng giò hầm măng, bát bóng nấu thập cẩm, bát mọc, bát miến nấu lòng gà. Đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa nem, đĩa giò xào, đĩa nộm, đĩa hành muối, đĩa bánh chưng, bánh giầy…

* Mâm cơm cúng giao thừa miền Trung
Mâm cỗ cúng giao thừa ở miền Trung thường sẽ có cả bánh chưng và bánh tét.
Bên cạnh đó, mâm cỗ giao thừa còn bao gồm các món ăn khác, như: Dưa món, dưa kiệu, giò lụa, chả nem, thịt heo luộc, chả ram, cá chiên, gà luộc, thịt kho tàu…
Ngoài ra, còn có các món xào, canh rau củ quả, bánh mứt… sặc sỡ sắc màu, tượng trưng cho ngũ hành tương sinh. Qua đó, gửi gắm hy vọng về một năm mới phát tài phát lộc.

* Mâm cơm cúng giao thừa miền Nam
Mâm cúng giao thừa ở miền Nam thường có các món, như: Canh măng tươi, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, gỏi tôm thịt, chả giò, dưa giá, củ kiệu, bánh tét ăn kèm củ cải ngâm nước mắm…
Ngoài ra, cần chuẩn bị các lễ vật khác, như: 1 đĩa trầu cau, 1 đĩa trái cây gồm 5 loại quả, đèn dầu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 3 hoặc 5 ly trà, bánh mứt các loại tùy vào gia đình, 1 bình hoa tươi, vàng mã…

3. Mâm cúng giao thừa ngoài trời thường có những gì?
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có: 1 con gà trống hoa luộc nguyên con có mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng, 1 đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh kẹo, 1 mâm ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, nhang, đèn…
Ngoài ra, mâm cỗ cũng bao gồm các vật phẩm quần áo, mũ, ủng quan Thần linh cùng với vàng, tiền.

Năm Tân Sửu 2021 thuộc hành Thổ nên bạn có thể chuẩn bị quần áo, mũ, ủng màu nâu, vàng, cam…
Cũng có gia đình làm cỗ ngọt và chay hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết và các loại đồ uống khác.
Tuỳ vào điều kiện của gia đình mà có mâm cúng thịnh soạn hay đơn giản khác nhau. Quan trọng hơn cả là tấm lòng thành kính dành cho các đấng bề trên, tổ tiên ông bà và cách sống tốt đẹp giữa đời thường thì thần Phật sẽ phù hộ độ trì và che chở…
Văn Nhân (t/h)
* Nội dung mang tính chất tham khảo.