Từ Mùng 1 đến Mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (tức ngày 16-18/2/2021), người dân và du khách sẽ được tham quan miễn phí các điểm du lịch thuộc Quần thể di tích Huế. Cùng Đời Sống News tìm hiểu về Quần thể này và điểm qua một số di tích tiêu biểu.
Quần thể di tích Huế có từ bao giờ?
Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử – văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, trên địa bàn Kinh đô Huế xưa.

Các di tích này hiện nay thuộc phạm vi TP. Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1993, Quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Quần thể di tích cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Và được phân chia thành 2 cụm: Cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và Cụm công trình trong Kinh thành Huế.
Cụm di tích trong Kinh thành Huế
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng, kéo dài suốt 27 năm.

Cụm di tích trong Kinh thành Huế gồm 10 di tích, tiêu biểu như: Đại Nội, Kỳ Đài, Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, Hồ Tịnh Tâm, Hoàng thành Huế…
Hoàng thành Huế nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội.

Các di tích trong Hoàng Thành, gồm: Ngọ Môn, Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi, Triệu Tổ Miếu, Hiển Lâm Các, Cung Diên Thọ, Tử Cấm thành, Duyệt Thị Đường…
Một số di tích ngoài Kinh thành
Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ, Văn miếu, Võ miếu, Đàn Nam Giao…





Di tích Huế có gì dịp Tết Nguyên đán 2021?
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong suốt thời gian này, tại Đại Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc, tái hiện cung đình xưa, như: Lễ đổi gác ở Ngọ Môn; múa lân sư rồng ở sân trước điện Thái Hòa; các trò chơi cung đình như xăm hường, bài vụ, đầu hồ… ở sân sau điện Thái Hòa; trình tấu Đại nhạc ở Thế Miếu.

Trước đó, lúc 8h30 sáng 21 tháng Chạp (tức ngày 2/2/2021) tại sân điện Thái Hòa, Đại Nội, sẽ diễn ra hoạt động tái hiện Lễ thiết triều của vua Nguyễn xưa.
Lúc 15h chiều cùng ngày tại Lăng Minh Mạng sẽ có triển lãm nhân 200 năm Ngày vua Minh Mạng lên ngôi.
Riêng vào 8h sáng 23 tháng Chạp (tức ngày 4/2/2021), tại Triệu Miếu, Thế Miếu (Đại Nội) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), sẽ diễn ra lễ Thướng tiêu (dựng Nêu) báo hiệu Tết đến.

Tiếp theo, vào 8h30 sáng 24 tháng Chạp (tức ngày 5/2/2021), tại Đại Nội sẽ khai mạc triển lãm Thơ Xuân trên kiến trúc cung đình Huế.
Chương trình “Hương xưa bánh Tết” sẽ diễn ra sau đó vào 8h sáng 25 tháng Chạp (nhằm 6/2/2021), tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội.
M.P (t/h). Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh