Việc tìm nguồn cảm hứng để viết lách, cho ra đời những tác phẩm giá trị là vô cùng quan trọng với những người cầm bút. Nhưng đôi lúc chúng ta cảm thấy cạn kiệt đề tài, không biết viết gì và bắt đầu từ đâu? Vậy những lúc ấy, chúng ta sẽ làm gì?
Khác với những nghề khác, nghề viết lách luôn đòi hỏi những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, không trùng lắp với người khác và không lặp lại chính mình.
Đề tài là vô tận, nhưng nếu chúng ta không biết khai thác, không có trái tim nhạy cảm để lắp đặt suy nghĩ, hình thành ý tưởng và triển khai thành hình hài cụ thể thì sẽ khó có một bài viết hay.

1. Âm nhạc là người bạn đồng hành
Những giai điệu trữ tình hoà cùng lời ca thắm thiết giúp xoa dịu tinh thần, vỗ về trái tim và kích thích khả năng sáng tạo ngôn từ, bồi đắp ý tưởng tuyệt vời. Đây sẽ là gợi ý đầu tiên để bạn tìm nguồn cảm hứng viết bài.
Tuỳ theo sở thích mỗi người. Riêng với cá nhân tôi, mỗi khi viết bài, tôi lại có thói quen nhâm nhi ly cà phê đen, nghe nhạc không lời và ngước nhìn cỏ cây, hoa lá, bầu trời… lời lẽ văn chương cứ thế chảy ra một cách tự nhiên, khoáng đạt.
2. Quan sát và lắng nghe hơi thở cuộc sống
Một trong những đặc tính nổi bật của người cầm bút là khả năng quan sát và lắng nghe hơi thở cuộc sống. Có thể họ là người hoạt ngôn, nhưng đôi khi là người ít nói.
Bởi những lúc ấy, họ đang bận suy nghĩ để ghi nhớ hình ảnh, ngôn từ và nảy nở những ý tưởng mới mẻ, hay ho. Và đó chính là đề tài, khơi nguồn cảm hứng viết lách sau này.

3. Thiền định trong tĩnh lặng
Khác với MC, diễn giả, người làm nghề viết lách đôi khi lại thích không gian tĩnh lặng để lắng nghe thanh tâm, đúc kết và chiêm nghiệm. Và thiền định chính là một trong những bí quyết giúp ươm mầm nguồn cảm hứng viết nên những tác phẩm có chiều sâu.
4. Trải nghiệm, tham quan
Đề tài luôn có ở quanh ta. Điều quan trọng là ta có đủ trái tim tinh tế và sự thông minh để biến chất liệu ấy thành đề tài hay không?
Và trên hành trình những chuyến tham quan, trải nghiệm sẽ là “kho tàng” vô tận để bạn thoả sức vẫy vùng khám phá và sống với đam mê viết lách. Những tác phẩm khi ấy sẽ rất đỗi sinh động, phong phú và gần gũi, dễ dàng chạm đến trái tim độc giả.

5. Đọc nhiều sách, báo
Sách, báo luôn là “người thầy” của tri thức và ngôn từ mà nhân loại luôn muốn tìm tòi, khám phá. Ngày nay, cùng với sự phát triển của thời đại 4.0, chúng ta dễ dàng tiếp cận với đa dạng loại hình sách báo in ấn, điện tử…
Từ đó, chắt lọc những thông tin hữu ích, trau dồi vốn từ vựng thêm phần phong phú, khai thác đề tài… bắt kịp xu hướng.
6. Thể thao, chăm sóc cây cảnh
Dĩ nhiên, dẫu bạn có tài giỏi, chuyên nghiệp đến đâu thì “chạy mãi cũng mỏi”, đề tài có lúc cũng sẽ cạn vơi. Những lúc ấy bạn sẽ là gì?
Thay vì cố gò mình trong khuôn khổ và ép mình phải có tác phẩm mới, thì bạn hãy thử tận hưởng cuộc sống, thả lỏng và tìm đến thú vui thể thao, chăm sóc cây cảnh. Biết đâu nhờ vận động tay chân mà trí óc được khơi thông?
Ngoài ra, việc nhìn ngắm cây xanh, hít hà không khí trong lành, hoà quyện cùng thiên nhiên cũng sẽ giúp bạn yêu đời hơn. Và khi cảm xúc thăng hoa thì bao nhiêu lời hay ý đẹp cứ thế trào dâng một cách tự nhiên mà vô cùng hiệu quả.

7. Cà phê kích thích sự sáng tạo
Cà phê có chứa chất cafein, giúp đánh thức mọi giác quan, tinh thần sảng khoái, nảy nở những ý tưởng sáng tạo, hay ho. Và đó là người bạn khơi nguồn cảm hứng viết lách tuyệt vời dành cho những người cầm bút như: Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà khoa học…
8. Tái tạo năng lượng sau giấc ngủ sâu
Thư giãn, nghỉ ngơi và tìm đến giấc ngủ sâu là cách để bạn tái tạo năng lượng những lúc mệt mỏi, căng thẳng. Trong viết lách cũng vậy, có lúc bạn cũng sẽ cảm thấy chênh chao, trống rỗng, không thể viết nên một tác phẩm hay ho. Thì đó là giải pháp hữu hiệu giúp bạn tìm lại cảm hứng và tiếp tục hành trình sáng tạo cùng những con chữ của mình.

9. Thói quen tốc ký để tạo ra “kho báu” cho riêng mình
Duy trì thói quen tốc ký để ghi lại những câu, từ ngữ, hình ảnh, câu chuyện thú vị… để làm tư liệu cho riêng mình. Cảm hứng là thứ rất thất thường, đó là lý do bạn nên thu thập và lưu trữ lại bất kì điều gì khiến bạn cảm thấy hứng thú. Hãy giữ chúng lại và bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm ý tưởng từ những mảnh ý tưởng nhiều vô tận này.
10. Tìm động lực để khơi nguồn cảm hứng
Thực ra, viết lách cũng là một nghề để kiếm sống. Ngoài thoả mãn đam mê, mang lại những giá trị về tinh thần, đáp ứng nhu cầu bạn đọc thì viết lách cũng là một nghề lao động “kinh doanh chất xám” được xã hội công nhận.
Tiếc rằng, một số người chưa nhìn nhận và đánh giá cao đội ngũ người cầm bút. Bởi thế, nên vẫn có câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Để sống và theo đuổi nghề viết một cách chân chính không phải dễ dàng. Do đó, nếu bài viết của bạn được bạn đọc yêu mến và có sự ghi nhận xứng đáng, góp phần khẳng định giá trị của tác giả, tác phẩm thì đó cũng là một sự khích lệ tạo nguồn cảm hứng để người cầm bút thoả sức sáng tạo và thăng hoa cùng những con chữ.

Đời Sống News